Số phận các dự án đường sắt “đội” vốn “khủng”, làm mãi không xong!
(Dân trí) - Năm dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM đều có vốn “khủng”, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của 2 thành phố lớn nhất cả nước, tuy nhiên tốc độ thi công thì như “rùa bò”!
Dự án đường sắt đô thị TPHCM Bến Thành - Suối Tiên: Dự án có chiều dài 19,7km, với 11 nhà ga, trong đó có 2,6km đi ngầm, do nhà thầu Nhật thực hiện.
Dự kiến, tháng 6/2020 sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên được chế tạo tại Nhật về dự án và chạy thử đoạn trên cao vào quý III/2020.
Đến nay giá trị sản lượng đạt 71%, năm 2019 dự án không được bố trí vốn. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4856/QĐ-UBND ngày 15/11/2019 về phê duyệt điều chỉnh dự án.
Hiện tại, UBND thành phố đang làm việc với Bộ Tài chính thẩm định điều kiện vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ cho Dự án.
Dự án đường sắt đô thị TPHCM Bến Thành-Tham Lương: Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được UBND TP.HCM phê duyệt từ tháng 10/2010.
Dự án có 9 gói thầu, trong đó gói thầu CP1 (xây dựng toà nhà Văn phòng, khu Depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.
Hiện tại UBND TPHCM đã ban hành Quyết định phê duyệt diều chỉnh dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư là 47.890,84 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2010 đến năm 2026. UBND TP đang làm việc với Bộ Tài Chính thẩm định điều kiện vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ cho Dự án.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Hiện tại công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị đã cơ bản hoàn thành, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, căn chỉnh thay thế các thiết bị chưa đảm bảo yêu cầu so với thiết kế làm cơ sở để tiến hành nghiệm thu, bàn giao Dự án.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết các tổn tại, vướng mắc, phối hợp cùng UBND TP.Hà Nội xây dựng kế hoạch bàn giao đưa Dự án vào khai thác thương mại trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện (có chứng nhận an toàn hệ thống và được Hội đông nghiệm thu nhà nước chấp thuận).
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội (tuyến số 3) có tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước, được khởi công từ tháng 9/2010. Dự án có chiều dài 12,5km, với 12 nhà ga.
Dự kiến, tháng 7/2020 đoàn tàu đầu tiên được chế tạo tại Pháp sẽ được đưa về dự án và chạy thử vào tháng 9/2020.
Đến thời điểm hiện tại, tổng tiến độ dự án (phần trên cao) mới đạt trên 70,69% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện và cơ cấu nguồn vốn dự án.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi: Dự án được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến là 28,7 km, tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, tiến độ 2007-2017.
Đến nay, dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi chưa thể triển khai thi công, nhưng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án toàn tuyến ước tính khoảng hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 9 lần so với kế hoạch ban đầu.
Dự án giai đoạn 1 Bộ GTVT đang làm việc với Vụ Công nghiệp và Vụ Hợp tác quốc tế-Văn phòng Chính phủ để có văn bản trả lời về triển khai thực hiện dự án tuyến 1.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt đang làm việc với Văn phòng Chính phủ để có văn bản về Hiệp định vay vốn. Giai đoan 2 đang thực hiện công tác điều chỉnh dự án theo sự cho phép của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, hiện đang tạm dừng do chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai dự án tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên.
Châu Như Quỳnh