Sợ “mất lòng” các nước, Maldives tính hủy bỏ FTA với Trung Quốc

Hương Vũ

(Dân trí) - Maldives - quốc đảo luôn cố gắng hạn chế quan hệ với Trung Quốc, đang cân nhắc hủy bỏ Hiệp định thương mại Tự do (FTA) với Bắc Kinh để bảo vệ quan hệ thương mại với các nước khác, trong đó có Ấn Độ.

Bộ trưởng Kinh tế Maldives Fayyaz Ismail cho biết: FTA được thiết lập giữa Maldives và Trung Quốc dưới thời cựu tổng thống Abdulla Yameen sẽ cản trở quan hệ thương mại với các nước khác.

FTA với Trung Quốc đã được Quốc hội thông qua vào năm 2017 trong nhiệm kỳ của Cựu Tổng thống Yameen. Thỏa thuận gây tranh cãi đã được ký kết giữa Tổng thống Maldives khi đó và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của cựu Tổng thống nước này tới Bắc Kinh vào năm 2017.

Cũng trong thời gian đó, Quốc hội Maldives đã nhanh chóng phê chuẩn hiệp định, bất chấp sự phản đối của phe đối lập về việc ông Yameen vì đã vội vã thông qua văn kiện dài 1.000 trang trong chưa đầy một giờ đồng hồ mà không có bất kỳ sự tranh luận nào.

Sợ “mất lòng” các nước, Maldives tính hủy bỏ FTA với Trung Quốc - 1
Cựu Tổng thống Maldives Abdullah Yameen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Chinadaily

Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, ông Ismail cho biết thỏa thuận này lẽ ra ngay từ ban đầu không nên được ký kết và cho rằng nó gây bất lợi cho nền kinh tế đất nước.

“Sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Maldives lớn tới mức không ai nghĩ đến một hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Trung Quốc không mua bất kỳ thứ gì từ đất nước chúng ta. Đây là hiệp định một chiều” - ông Ismail cho biết thêm thỏa thuận cho phép hàng hóa từ Trung Quốc được nhập khẩu mà không bị tính thuế.

Tuy nhiên, vị Bộ trưởng nói rằng việc áp mức thuế lớn hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác trong khi không áp dụng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ thương mại với các nước khác.

“Các liên kết thương mại mà chúng ta đã thiết lập trong thời gian qua sẽ bị phá hủy nếu chúng ta tuân theo FTA. Các mối quan hệ thương mại của chúng tôi với Singapore, Dubai và Ấn Độ đều trở thành vô ích. Tất nhiên, tất cả các doanh nghiệp sẽ lựa chọn sản phẩm của Trung Quốc nếu hàng hóa có sẵn với chi phí thấp hơn” - ông nói.

Chính phủ Maldives cho rằng, ngư nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của nước này nhưng không được hưởng lợi từ FTA với Trung Quốc.

Trong khi đó, mối quan hệ Ấn Độ-Maldives đã có những chuyển biến tích cực kể từ khi ông Ibrahim Mohamed Solih đắc cử tổng thống vào năm 2018. Các dự án cơ sở hạ tầng do Ấn Độ hậu thuẫn đang được triển khai với tốc độ nhanh và Delhi đã tiến tới hỗ trợ Nam sau sự bùng phát của Covid-19.

Vào tháng 9 vừa qua, Ấn Độ đã ký séc trị giá 250 triệu USD cho Maldives để đảo quốc này khôi phục kinh tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid cho biết đây là khoản viện trợ tài chính lớn nhất do một đối tác hỗ trợ cho đảo quốc này trong thời gian đại dịch hoành hành.

Hai năm trước đây, khi đắc cử chức Tổng thống, ông Ibrahim Mohamed Solih dự tính sẽ rút Maldives khỏi hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vì cho rằng việc duy trì một thỏa thuận như vậy với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ là sai lầm của quốc đảo Ấn Độ Dương. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự “quay lưng” của Maldives với Trung Quốc dù hai nước từng giữ mối quan hệ thân thiết trong nhiều năm trước đây.

Sợ “mất lòng” các nước, Maldives tính hủy bỏ FTA với Trung Quốc - 2
Cây cầu được Trung Quốc hỗ trợ vốn tại Maldives. Ảnh: Maldives Independent

Những người chỉ trích Trung Quốc tại Maldives nói rằng cơn sốt phát triển cơ sở hạ tầng do Bắc Kinh đầu tư đã đẩy Maldives vào cảnh nợ nần. Theo đó, một hiệp định thương mại tự do sẽ chỉ càng làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, xét trên bản chất của mối quan hệ không cân xứng giữa hai bên.

Maldives là một trong những nước nhỏ được Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các hệ thống đường sá và nhà cửa trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.

Hiện, Maldives ước tính nợ Trung Quốc khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương hơn 1/4 GDP hàng năm của quốc đảo này. Thông qua sáng kiến này, Bắc Kinh hy vọng có thể cải thiện dòng chảy thương mại và đầu tư tới toàn bộ châu lục.