Hàng chục nghìn nhà thầu Trung Quốc "ồ ạt" rời khỏi các dự án ​​ở châu Phi

Thùy Dung

(Dân trí) - Hàng chục nghìn nhà thầu Trung Quốc đã rời châu lục đen kể từ năm 2015 đến 2018, một con số tương quan với việc giảm chi tiêu từ Bắc Kinh.

Hàng chục nghìn nhà thầu Trung Quốc ồ ạt rời khỏi các dự án ​​ở châu Phi - 1

 Công nhân Trung Quốc tại một dự án đường sắt ở Kenya năm 2018.

Trong thập kỷ qua, châu Phi là điểm đến quan trọng của người lao động Trung Quốc, sau các dự án lớn mà Bắc Kinh đã tài trợ như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Nhưng trong vài năm qua, hàng chục nghìn công nhân Trung Quốc đã rời châu Phi do Bắc Kinh chậm cho vay và do các nước châu Phi đã dần cảnh giác hơn với Trung Quốc, một phân tích mới cho thấy.

Ước tính có khoảng 62.600 nhà thầu Trung Quốc đã rời châu Phi từ năm 2015 đến 2018, với con số tổng thể giảm từ hơn 263.000 xuống còn khoảng 201.000, các nhà nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy “khối lượng các khoản vay của Trung Quốc là một lý do chính” cho sự sụt giảm lao động Trung Quốc trên khắp lục địa đen. Số lượng công nhân Trung Quốc ở châu Phi đạt đỉnh vào năm 2015, đây cũng là thời điểm Trung Quốc ký được nhiều hợp đồng nhất ở châu lục này.

Báo cáo trên của hai công ty tư vấn, công ty toàn cầu Oxford China International Consultancy (OCIC) và Development Reimagined có trụ sở tại Bắc Kinh, dựa trên phân tích về số lao động được các công ty Trung Quốc ký hợp đồng trên lục địa này.

Giám đốc điều hành OCIC Charlotte Baker cho biết, những con số này không nhất thiết có nghĩa là lao động Trung Quốc rời châu Phi.

“Nhiều nhà đầu tư và công nhân nhà máy sẽ sống nhiều năm ở các nước châu Phi, và một số công nhân xây dựng quyết định ở lại và chuyển đổi tình trạng thị thực và có thể trở thành thương nhân, chủ cửa hàng", Baker nói.

Bà cũng cho biết, các nhà nghiên cứu tập trung vào dữ liệu chính thức của chính phủ, không bao gồm những người di cư không chính thức cũng như sinh viên và quan chức chính phủ sẽ đến châu Phi bằng các loại visa khác nhau.

Châu Phi đã trở thành trung tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh rót gần 148 tỷ USD vào lục địa này từ năm 2000 đến 2018, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Tổng số tiền Trung Quốc cho châu Phi vay đã giảm đáng kể từ mức cao nhất năm 2016 là 29,4 tỷ USD xuống 8,9 tỷ USD vào năm 2018, chủ yếu là do các khoản vay cho Angola giảm mạnh, chiếm 19,3 tỷ USD cho vay trong năm 2016, so với lên 80 triệu USD vào năm 2018.

Angola cũng chứng kiến ​​số lượng lao động Trung Quốc giảm từ 44.106 năm 2015 xuống 27.222 vào năm 2018, theo phân tích mới.

Các khoản vay của Trung Quốc từ năm 2015 đến năm 2018 vẫn giảm dần đối với phần còn lại của châu Phi, nhưng với tỷ lệ vừa phải hơn nhiều.

Chiến tranh và xung đột cũng dẫn đến những cuộc di cư của công nhân Trung Quốc ở một số nơi. Ví dụ, Libya có 42.640 công nhân vào năm 2010, nhưng con số này đã giảm mạnh khi một cuộc nội chiến nổ ra sau cái chết của nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi vào năm 2011. Phân tích ước tính rằng chỉ có 100 công nhân Trung Quốc ở nước này vào năm 2018.

Các quốc gia châu Phi khác có nhiều lao động Trung Quốc bao gồm Nigeria, Kenya, Ethiopia, Zambia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda.

Dữ liệu chưa cập nhật tình hình các vấn đề trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi sau đại dịch Covid 19. Ví dụ, Zambia đang đứng trước bờ vực vỡ nợ với Trung Quốc với số Eurobonds trị giá 3 tỷ USD do phải chuyển tiền hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch.

Nhưng các chủ nợ hiện nay đã miễn cưỡng bảo lãnh quốc gia này vì họ nghĩ rằng tiền chắc chắn sẽ đơn giản được chuyển đến Trung Quốc để trả nợ. Trung Quốc trước đó đã chịu áp lực buộc phải đình chỉ hoặc hủy bỏ các nghĩa vụ nợ từ các nước đang phát triển trong thời kỳ đại dịch.