Chính phủ Pakistan bị tố lấy đất "nuôi" Vành đai - Con đường của Trung Quốc
(Dân trí) - Các đảng phái địa phương tại Pakistan đang chỉ trích chính phủ liên bang lấy đất liên bang để nuôi tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Chính phủ của Thủ tướng Imran Khan đang bị các đảng đối lập chỉ trích vì giành quyền kiểm soát trực tiếp hai hòn đảo có thể có giá trị chiến lược đối với Trung Quốc ở biển Ả Rập.
Tổng thống Pakistan ông Arif Alvi vào tháng trước đã ký sắc lệnh của Cơ quan Phát triển Quần đảo Pakistan (PIDA) nhằm khai hoang và quy hoạch đô thị trên các đảo Bundal và Bhuddo, nằm ở phía nam Karachi. Cả hai hòn đảo này đều có chiều ngang khoảng 8 km và là hòn đảo lớn nhất dọc theo bờ biển của tỉnh Sindh.
Các quan chức chính phủ cho biết, Cơ quan PIDA đã được lập ra để phát triển các hòn đảo trở thành các khu thương mại.
Sắc lệnh đã thu hút được sự chú ý của công chúng vào đầu tháng 10 sau khi tạo ra sự bùng nổ chính trị ở các tỉnh Sindh và Balochistan. Đã có nhiều người đưa ra sự phản đối mạnh mẽ với sắc lệnh PIDA vì họ tin rằng các hòn đảo này có thể sẽ được giao cho Trung Quốc như một thành phần của dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Bilawal Bhutto Zardari, Chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan - cầm quyền của Sindh, đã gọi sắc lệnh này là một sự thôn tính bất hợp pháp. Ông cho rằng động thái này sẽ bị phản đối tại quốc hội, tỉnh hội và thượng viện.
Zafar Sahito, Phó Chủ tịch của Diễn đàn những nhà tư tưởng Jeay Sindh, nơi ủng hộ nền độc lập của Sindh thì nói rằng: “Chúng tôi sẽ không cho phép bán đất đai cho Trung Quốc”.
Diễn đàn Ngư dân Pakistan (PFF), hiệp hội ngư dân lớn nhất ở Pakistan, đã phát động Phong trào Cứu các đảo trên biển và đang tổ chức một hải đội ngoài khơi Bundal vào ngày 15/10 để phản đối sắc lệnh.
PFF cũng phản đối sự xuất hiện của các tàu đánh cá biển sâu của Trung Quốc vào tháng trước và tuyên bố rằng 800.000 công việc đánh bắt cá có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu chính phủ liên bang kiên trì với kế hoạch phát triển đảo của mình.
Thượng nghị sĩ Kabir Muhammad Shahi, một thành viên lớn của Đảng Quốc gia đối lập có trụ sở tại tỉnh Balochistan, miền Nam nước này, cho biết, chính phủ liên bang đang xâm phạm chính trường địa phương ở Sindh và Balochistan.
Ông nói với Nikkei Asia rằng: “Đảng Quốc gia sẽ bắt đầu các cuộc biểu tình trên khắp đất nước để chống lại sắc lệnh này”.
Theo thượng nghị sĩ, sắc lệnh này rất hữu ích đối với tham vọng mở rộng kinh tế của Bắc Kinh ở Pakistan.
Mohan Malik, một thành viên thanh tra tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á ở Washington cho biết, việc hai hòn đảo gần Karachi đột ngột được đặt dưới sự kiểm soát của liên bang cho thấy có điều gì đó đang xảy ra.
Ông đã nói với tờ Nikkei rằng, các mục tiêu đã nêu trong sắc lệnh nói về việc phát triển các đảo cho thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế dường như đã được đưa thẳng vào vở kịch Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Malik, đồng thời là giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng UAE nói rằng, nếu suy đoán về việc chính quyền liên bang Pakistan bàn giao các đảo cho Bắc Kinh là đúng thì nó sẽ làm gia tăng lo ngại trong khu vực về sự hiện diện chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc ở cửa eo biển của Hormuz và Biển Ả Rập.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng các hòn đảo trên thực tế không có khả năng phát triển. Jahangir Durrani, một nhà bảo tồn thiên nhiên cấp cao, nói với truyền thông địa phương rằng rừng ngập mặn biến mất và ô nhiễm ngày càng tăng đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về môi trường làm hạn chế tiềm năng phát triển của đảo.
Malik - giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng UAE, hiện cũng không chắc chắn về khả năng phát triển tại các đảo này do các dự án cơ sở hạ tầng CPEC khác ở Sindh và Balochistan đang giảm tốc. Ông nói, kế hoạch để phát triển cho các hòn đảo nghe có vẻ quá tham vọng vào thời điểm kinh tế suy thoái do đại dịch gây ra và hạn chế về tài nguyên.