So găng khả năng lèo lái nền kinh tế của Tổng thống Biden và Trump
(Dân trí) - Năm 2024, nước Mỹ có thể sẽ chứng kiến một trận tái đấu hoành tráng giữa Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump khi cả 2 đều muốn vị trí cao nhất tại Nhà Trắng.
Cựu Tổng thống Donald Trump được thừa hưởng một nền kinh tế Mỹ khá ổn định từ người tiền nhiệm Barack Obama. Trong những năm đầu nhiệm kỳ, thành tựu lập pháp quan trọng của ông là đạo luật cắt giảm thuế năm 2017.
Gói chính sách trên giúp nâng đỡ thị trường chứng khoán, hoạt động đầu tư và nhu cầu chung trong nền kinh tế, nhưng cũng làm gia tăng quy mô nợ của chính phủ.
Tổng thống Joe Biden nhậm chức khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi sau các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19. Các gói viện trợ và giải cứu dưới thời ông Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đều giúp thúc đẩy chi tiêu của người dân.
Tăng trưởng việc làm nhảy vọt trong 2 năm đầu nhiệm kỳ đã khiến lạm phát tăng vọt và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nhanh chóng tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trên mặt trận kinh tế, 2 người đều từng chia sẻ về những thành tựu riêng của mình. Tuy nhiên, chính sách kinh tế của mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau khi so sánh cùng một khung thời gian.
Tăng trưởng kinh tế
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump cam kết sẽ đưa nền kinh tế Mỹ trở lại mức tăng trưởng hàng năm 4%. Song, ông chỉ hoàn thành mục tiêu đó trong quý IV/2017 và quý III/2020, khi nền kinh tế Mỹ lần đầu mở cửa trở lại và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Từ quý I/2017 đến quý I/2019, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ chỉ đạt trung bình 2,5% mỗi quý.
Đó là mức tăng trưởng lành mạnh đối với một nền kinh tế khổng lồ với mức tăng trưởng trung bình 2-3% mỗi năm.
Tuy nhiên, con số này vẫn cách xa mức ông Trump đã hứa hẹn và chỉ ngang bằng với tốc độ tăng trưởng vào cuối nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama.
Trong năm đầu ông Biden nhậm chức, nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ khi chính phủ ồ ạt bơm tiền vào hệ thống tài chính để chống lại tác động khủng khiếp của đại dịch.
2 trong 4 quý đầu tiên, Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Tuy nhiên, lạm phát đã xuất hiện trong năm thứ hai nhiệm kỳ của ông Biden khiến tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022 chuyển sang mức âm.
Dù vậy, tốc độ tăng trưởng trung bình dưới thời ông Biden vẫn tốt hơn so với ông Trump. Từ quý I/2021 đến quý I năm nay, dưới thời chính quyền Biden tăng trưởng kinh tế trung bình hàng quý đạt 3,1%.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán khởi sắc dưới thời ông Trump. Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 21,2% kể từ ngày đầu tiên ông nhậm chức cho đến cuối tháng 5/2019.
Đạo luật cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
Còn dưới thời ông Biden, S&P 500 chỉ tăng khoảng 8,5% trong cùng khoảng thời gian. Giá cổ phiếu lại đạt đỉnh vào đầu năm 2022 nhưng chỉ số S&P 500 đã bốc hơi 20% trong cả năm khi Fed thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Tính đến cuối tháng 5 năm nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 9,3% trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất và có thể chuyển sang hạ lãi suất vào cuối năm.
Lạm phát
Dưới thời ông Trump, lạm phát tại Mỹ tiếp tục duy trì xu hướng thấp dưới thời cựu Tổng thống Obama và nằm trong tầm kiểm soát của Fed.
Dưới thời ông Obama, lạm phát Mỹ trung bình ở mức 1,4% và trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump mức lạm phát trung bình tăng nhẹ lên 2,2%.
Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ Mỹ đối với đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và tác động của xung đột Nga - Ukraine năm 2022 đã khiến lạm phát tăng mạnh.
Lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ do chuỗi cung ứng bị xáo trộn bởi chiến sự Nga - Ukraine và động thái bơm tiền mạnh mẽ vào nền kinh tế của chính phủ Mỹ để khắc phục những tổn thất do đại dịch.
Ban đầu, Fed cho rằng lạm phát chỉ xuất hiện tạm thời nên đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để hạ nhiệt nền kinh tế. Nhưng sau hơn một năm, lạm phát vẫn ở mức cao hơn nhiều so với dự đoán của giới chuyên gia.
Từng chạm đỉnh 9% vào tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống chỉ còn 4% vào tháng 5 năm nay, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Lãi suất
Fed đã nâng lãi suất rất chậm trong suốt nửa đầu nhiệm kỳ của ông Trump để đưa chính sách tiền tệ trở về trạng thái trung lập sau nhiều năm duy trì lãi suất ở mức 0%.
Ông Trump không đồng tình với những quyết định này của Fed vì cho rằng lãi suất tăng cao đang khiến nền kinh tế Mỹ khó cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, dù lạm phát đang trong tầm kiểm soát, Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất cho đến năm 2019. Sau đó, những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc tổ chức này phải nới lỏng chính sách.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã chứng kiến một trong những chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ, khi Fed cố gắng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Nỗ lực của ngân hàng trung ương Mỹ đã làm giảm tốc độ tăng của lạm phát, nhưng cũng khiến chi phí mua nhà, mua xe đắt đỏ hơn. Điều này cũng dẫn đến tình trạng sa thải nhân sự hàng loạt trong những ngành nhạy cảm với lãi suất.
Nợ công
Cả 2 vị tổng thống đều chứng kiến khối nợ công của Mỹ gia tăng nhanh chóng, chủ yếu do chính sách cắt giảm thuế của ông Trump và chương trình hỗ trợ Covid của ông Biden.
Chính quyền ông Trump cũng triển khai những gói cứu trợ Covid lớn khiến khối nợ phình to trong phần sau của nhiệm kỳ. Những khoản chi này đều được 2 đảng trong Quốc hội nhất trí thông qua.
Phần lớn mức tăng gần đây là do việc mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Những chương trình này trở nên tốn kém hơn khi dân số Mỹ ngày càng già đi.
Ông Charles Blahous, chiến lược gia cấp cao tại Đại học George Mason, ước tính trong thâm hụt ngân sách liên bang năm 2021, ông Trump chịu 19,1% phần trách nhiệm, còn ông Biden chịu 18,5%.
Thị trường việc làm
Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, ông Trump từng chứng kiến việc làm tăng trưởng mạnh mẽ khi trung bình mỗi tháng thị trường lao động tạo ra 180.000 việc làm mới.
Đó là mức tăng lành mạnh đối với một nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Con số này cũng cao hơn nhiều so với con số 100.000 việc làm như ước tính của các chuyên gia để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.
Tổng thống Biden cũng chứng kiến thị trường lao động tăng trưởng tích cực. Kể từ khi ông nhậm chức, trung bình mỗi tháng Mỹ có thêm 470.000 việc làm mới.
Thực tế, ông Biden đã được hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi thần tốc sau đợt suy thoái vì Covid-19. Mức tăng trưởng việc làm liên tục vượt qua kỳ vọng của giới chuyên gia, ngay cả khi lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng.
Hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden còn là 2 năm ghi nhận mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp
Theo Barron's, dưới thời vị cựu tổng Trump, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ năm 2019 đã giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm.
Tuy nhiên, ông Alan Blinder, giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton, cho biết thành tích trên không phải là kết quả trực tiếp từ các chính sách của ông Trump, mà đến từ xu hướng giảm nhiệt của tỷ lệ thất nghiệp đã bị tác động nhiều do đại dịch.
Khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1/2021, tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên mức 6,3%. Tính đến tháng 5/2023, tỷ lệ này đã giảm dần xuống mức thấp hơn là 3,7%.
Tỷ lệ hiện tại có được phần lớn nhờ vào nỗ lực của Fed. Để khống chế lạm phát, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp tính đến tháng 5 năm nay.
Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ cần phải tăng lên mức 4-5% để lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Lực lượng lao động của Mỹ đã thu hẹp trong nhiều thập kỷ. Các chuyên gia cho rằng đây là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm tỷ lệ sinh giảm, chính sách nhập cư khắt khe và mong muốn làm việc của người lao động thay đổi. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân nước này giảm nhẹ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng đã phục hồi nhẹ dưới thời ông Biden.
Tiền lương
Chi phí lao động theo giờ tại Mỹ đã tăng khoảng 6% trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Trong khi đó, tiền lương và thưởng đã điều chỉnh theo lạm phát thì tăng với tốc
độ chậm hơn.
Thu nhập của người Mỹ không khá hơn dưới thời ông Biden. Tình trạng thiếu hụt nhân công đã kéo tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân lên khoảng 10,3% mỗi năm trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 4 năm nay.
Tuy nhiên, lạm phát đã ăn mòn sức mua của người lao động do áp lực về giá vẫn còn lớn. Mức tăng thu nhập của người dân cũng đang giảm dần và các chuyên gia dự báo tiền lương sẽ giảm sâu xuống mức trước đại dịch vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Việc tiền lương thực tế của người lao động không biến động tích cực có thể tác động mạnh đến niềm tin của người tiêu dùng và là trở ngại lớn với nỗ lực tái đắc cử của ông Biden.
Thị trường bất động sản
Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, giá nhà ở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng mạnh trong gần 3 thập kỷ. Giá bán trung bình mỗi căn đã tăng 3 lần, từ khoảng 126.000 USD (khoảng 2,9 tỷ đồng) vào năm 1992 lên mức 479.500 USD (khoảng 11,2 tỷ đồng) vào cuối năm 2022.
Mặc dù ông Trump từng rất tự hào về đà tăng của thị trường bất động sản dưới thời của mình nhưng những đợt tăng giá mạnh nhất đã xảy ra trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden.
Việc tăng giá bất động sản là tin vui cho người bán nhưng cũng là thách thức lớn đối với người mua. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sở hữu nhà ở sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính của người dân Mỹ.
Giá nhà ngày càng tăng cao cũng có thể gây tổn hại lớn cho khả năng ổn định tài chính của người dân. Tuy nhiên, thị trường hiện đã hạ nhiệt. Tăng trưởng giá nhà hàng năm đã giảm tốc xuống mức 0,7% vào tháng 3 năm nay, tốc độ chậm nhất trong 10 năm, theo chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller.
Các chuyên gia dự đoán xu hướng điều chỉnh của thị trường nhà đất sẽ tiếp tục đến hết năm 2023 và kéo dài sang năm 2024.
Niềm tin của người tiêu dùng
Trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump, niềm tin của người tiêu dùng khá vững chắc và thị trường chứng khoán cũng liên tục tăng điểm.
Sự xuất hiện của đại dịch đã ngay lập tức xóa bỏ những lạc quan đó và khiến chính quyền ông Biden phải chật vật để khôi phục lòng tin của người dân.
Lạm phát tăng vọt đã đẩy niềm tin của người tiêu dùng xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022.
Niềm tin của người tiêu dùng là một chỉ số kinh tế quan trọng, vì chi tiêu của nhóm này chiếm gần 70% nền kinh tế Mỹ. Nếu người Mỹ lo lắng về triển vọng tăng trưởng, họ sẽ ngay lập tức cắt giảm chi tiêu.
Dù vậy, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng nhẹ 0,5% trong tháng 4 năm nay, ngay cả khi niềm tin của người Mỹ bị lung lay bởi áp lực giá lớn và sức mua yếu.
Bà Joanne Hsu, chuyên gia khảo sát người tiêu dùng tại Đại học Michigan, cho hay: "Trong suốt giai đoạn lạm phát hiện tại, người tiêu dùng Mỹ vẫn đứng vững nhờ thị trường lao động mạnh mẽ. Tuy nhiên, nỗi lo suy thoái sẽ khiến họ thắt chặt hầu bao khi dấu hiệu suy yếu xuất hiện".