SHB tiếp tục đầu tư vốn đẩy mạnh phát triển kinh tế Tây Nguyên
Sau gói tín dụng hơn 2.270 tỷ đồng dành cho 2 dự án thủy điện tại Kon Tum và Gia Lai trong chương trình xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiếp tục dành gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm giúp người dân nơi đây đẩy mạnh phát triển cây cà phê– một cây công nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế vùng.
Chương trình được thực hiện theo dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT” của Chính phủ.
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Trong đó, Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê với diện tích chiếm 90%, sản lượng chiếm 93,3% cây cà phê của cả nước. Tuy nhiên, canh tác cây cà phê vẫn chủ yếu theo phương thức thủ công thuần túy, chưa được đầu tư, áp dụng đồng bộ về tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng.
Do đó, đầu tư tín dụng nhằm phát huy hết tiềm năng và lợi thế của cây trồng này là một trong những định hướng phát triển trong hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng trong suốt những năm qua. Hưởng ứng dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT” của Chính phủ đặc biệt là tái canh cây cà phê – một ngành kinh tế mũi nhọn được định hướng phát triển mạnh trong giai đoạn 2015-2025, với vai trò là một tổ chức tín dụng uy tín hàng đầu, SHB cam kết tài trợ vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm tái canh cây cà phê hiệu quả trên địa bàn Tây Nguyên.
Đặc biệt, dựa trên nhu cầu và phương án vay, khách hàng có thể được hỗ trợ tối đa 100% vốn với thời hạn lên đến 9 năm, thời gian ân hạn gốc hạn nợ gốc 4 năm. Người dân tại 05 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi này từ SHB để sử dụng vào các mục đích: Bổ sung vốn tái canh, canh tác, chăm sóc cây cà phê, bù đắp chi phí chăm sóc cây cà phê (chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công, tưới tiêu); bổ sung vốn trồng, chăm sóc cây hồ tiêu hoặc các loại cây che bóng cho cà phê (với điều kiện trồng xen canh với cây cà phê); bổ sung vốn cố định để đầu tư cải tạo đất, làm đất, mua cây giống, đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp, hệ thống tưới tiêu, giếng nước phục vụ cho cây cà phê và cây trồng xen canh và các mục đích hợp lệ khác phục vụ hoạt động chăm sóc/tái canh/canh tác cây cà phê và các loại cây che bóng.
Việc đẩy mạnh cho vay canh tác cà phê tại địa bàn Tây Nguyên không chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế (tăng năng suất, tăng cường năng lực chế biến để thực hiện mục tiêu tăng sản lượng và chất lượng cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu….) mà còn có ý nghĩa quan trọng về xã hội như: khai thác tốt tiềm năng đất đai; thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh; mở rộng diện tích cây trồng đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương.
“Với vai trò của một tổ chức tín dụng và có ba chi nhánh đang hoạt động tại Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, SHB cam kết sẽ đồng hành cùng chính quyền địa phương và người trồng cà phê trong việc cung cấp nguồn vốn lâu dài, tư vấn sử dụng vốn, tinh giảm các thủ tục theo hướng nhanh gọn, thuận tiện giúp người dân khu vực Tây Nguyên nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn một cách hiệu quả” – ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB cho biết.
Bên cạnh tài trợ vốn cho thủy điện và nông nghiệp, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước trong việc hướng dòng vốn đến các khu vực ưu tiên, từ năm 2014, SHB đã tích tham gia nhiều chương trình tín dụng hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển như: Thu mua tạm trữ thóc gạo vụ hè thu, đông xuân; cho vay liên kết 4 nhà nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho bất động sản; cho vay kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp….