SHB nguy cơ tụt hạng tín nhiệm vì sáp nhập với Habubank
(Dân trí) - Moody’s tỏ ra lo ngại rằng, thương vụ sáp nhập Habubank sẽ khiến chất lượng tín dụng của SHB sụt giảm
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây vừa đưa ra một loạt cảnh báo đối với Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội ngay sau ngay sau khi ngân hàng này thông báo kế hoạch sáp nhập đối với Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank).
Hiện tại, Moody’s vẫn duy trì xếp tiền gửi và tổ chức phát hành nợ hạng B2 đối với SHB. Trong khi đó, xếp hạng sức mạnh độc lập tài chính (BFSR) đang ở mức E +. Tuy nhiên, Moody’s cho biết, đang cân nhắc khả năng hạ bậc đối với ngân hàng này.
Moody’s cho biết, đánh giá được đưa ra chủ yếu căn cứ trên tình hình tín dụng yếu kém của Habubank và điều này gây sức ép lên SHB khi thực hiện việc sáp nhập.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của SHB đến cuối 2011 là 2,2%, trong khi của Habubank là 4,4%. Ngoài ra, nếu tính cả các khoản vay đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thì tỷ lệ nợ xấu của Habubank sẽ là 16,7%.
Tương tự, tỷ lệ thanh khoản của Habubank cũng yếu hơn nhiều so với SHB, thể hiện ở tỉ lệ tổng cho vay trên tổng tiền gửi của Habubank là120%, so với SHB là 84% vào cuối 2011.
Bên cạnh hồ sơ tín dụng không mấy đẹp đẽ được trình bày trong đề án hợp nhất của Habubank, Moody’s cũng nhận định rằng, SHB sẽ đối mặt với nhiều thử thách về biên độ giao dịch trong quản lý. Theo đó, Habubank chỉ tương đương với 58% tổng tài sản của SHB. Ngoài ra, mạng lưới phân phối lại hạn chế và làm giảm cơ hội kinh doanh trong ngắn hạn.
Tổ chức xếp hạng cho hay, việc đánh giá lại đối với SHB sẽ thông qua các tác động tài chính của những giao dịch lớn lên khả năng thanh toán nợ của ngân hàng.
Trong số các yếu tố khác, Moody’s cũng sẽ xem xét một cách chi tiết về cách thức chuyển đổi nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn và việc xử lý nợ xấu sau khi sáp nhập. Cùng với đó, bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ nhằm giúp ngân hàng sau sáp nhập xử lý được những khoản nợ khó đòi từ Vinashin cũng sẽ được Moody’s lưu ý.
Nhìn chung, đánh giá của Moody’s sẽ dựa trên việc xem xét khả năng quản trị của ngân hàng một cách hợp lý nhằm gia tăng được nguồn lực cho vay và cải thiện được tính thanh khoản trong khi vẫn duy trì lợi nhuận và tỷ lệ vốn ở mức hiện tại.
Bích Diệp