1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

SHB: Gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử, lý thu hồi

(Dân trí) - Một năm sau sáp nhập, SHB "ghi danh" vào danh sách những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao. Bên cạnh các phương án xử lý tài sản đảm bảo, cơ cấu lại nợ, SHB sẽ bán nợ xấu cho VAMC để kéo tỉ lệ nợ xấu từ 9% xuống còn dưới 5%.

Thương vụ SHB-HBB mở đường cho hoạt động sáp nhập ngân hàng niêm yết.
Thương vụ SHB-HBB mở đường cho hoạt động sáp nhập ngân hàng niêm yết.

Tổng kết về giai đoạn 1 năm ngân hàng sáp nhập đi vào hoạt động (28/8/2012-28/8/2013), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) cho biết, một khối lượng lớn nợ xấu chuyển từ Habubank trước đó sang đã được xử lý.

Tính riêng giai đoạn 6 tháng đầu năm 2013, SHB đã xử lý thu hồi được 2.926 tỷ đồng nợ xấu thông qua các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, xử lý tài sản đảm bảo, xem xét miễn giảm lãi suất; cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền nguồn thu của khách hàng…

Cùng với một số ngân hàng khác có tỉ lệ nợ xấu cao, SHB cũng có kế hoạch bán một phần nợ xấu cho VAMC. SHB là ngân hàng trong nhóm bán nợ cho VAMC đợt 1 từ 21/9-30/10 với việc VAMC sẽ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu của Navibank, SCB, Agribank và SHB.

Báo cáo tài chính của SHB cũng cho thấy, tại thời điểm 30/6, nợ xấu của ngân hàng chiếm tỷ lệ 9,04% tổng dư nợ và cao hơn 0,24% so với thời điểm cuối năm 2012.

Theo lý giải của SHB, nguyên nhân nợ xấu tăng do một số khoản cho vay đồng tài trợ của Habubank trước kia với các TCTD khác đến nay quá hạn, do vậy, SHB chuyển nhóm nợ xấu theo quy định trên cơ sở của ngân hàng đầu mối. Một số khoản nợ Vinashin chuyển sang nhóm nợ xấu theo quy định phân loại nợ của NHNN. 

Nhưng SHB khẳng định, những doanh nghiệp có nợ xấu (nhóm 4 và nhóm 5 phần lớn chuyển từ HBB sang) của SHB đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và có tài sản đảm bảo. Còn riêng đối với các khoản nợ tại Tập đoàn Vinashin và các công ty trực thuộc, SHB đã xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đồng thời đang rà soát, lên phương án xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

SHB vẫn giữ nguyên kế hoạch, đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống thấp hơn 5%/tổng dư nợ.

Xem xét bán cổ phần cho định chế nước ngoài

Tính đến 31/7/2013, ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi  ro đầy đủ theo quy định của NHNN với số tiền trích lập dự phòng rủi ro hơn 2.100 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng rủi ro lớn đã "ăn mòn" đáng kể lợi nhuận SHB nên kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận ngân hàng giảm 32% so với cùng kỳ, đạt 304 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, tại thời điểm tháng 10 năm ngoái, ngân hàng đã thực hiện niêm yết bổ sung 405 triệu cổ phiếu phát hành để thực hiện hoán đổi nhận sáp nhập HBB.

Mặc dù biến động tăng/giảm giá không đáng kể, song thanh khoản của cổ phiếu này lại rất cao. Tuần trước, việc Quỹ đầu tư Market Vector Vietnam ETF (gọi tắt là quỹ VNM) công bố đưa SHB vào danh mục mới áp dụng từ ngày 23/9/2013 đã khiến giao dịch tại SHB gây “bão” trên thị trường. Khối lượng phiên giao dịch ngày 20/9 lên tới 37 triệu cổ phiếu với 25,5 triệu được “hốt gọn” trong phiên ATC.

SHB cũng cho biết, một số định chế tài chính uy tín nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác, mua cổ phần và ngân hàng đang nghiên cứu, xem xét.

Đóng cửa phiên giao dịch 24/9, thị giá SHB ở mức 6.700 đồng/cp.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm