SHB bán SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri Thái Lan

(Dân trí) - Hôm nay (25/8), SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Tiêu dùng SHB (SHB Finance) cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan, sau một thời gian đàm phán.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết: Khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

SHB bán SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri Thái Lan - 1

Ông Đỗ Quang Vinh - Giám đốc Khối Ngân hàng số, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB Finance (tại Việt Nam) và ông Seiichiro Akita - Chủ tịch kiêm CEO Krungsri (tại Thái Lan) - ký thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn SHB Finance.

Ngân hàng Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ năm tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi. Trong đó Tập đoàn MUFG Nhật Bản nắm giữ 76,88% vốn điều lệ.

Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi. Trong đó, tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) nắm giữ 76,88% vốn. Tại Việt Nam, MUFG là cổ đông chiến lược sở hữu 20% vốn tại một ngân hàng lớn.

Về phía SHB Finance, đây là công ty nằm trong top 10 công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn - một trong những công ty được cấp vốn cao nhất trên thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu SHB tăng lên 27.500 đồng/cổ phiếu (tương đương mức tăng 1,9%), với gần 8,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công.

Liên quan tới SHB, ngày 11/8, ngân hàng này đã nhận được Công văn số 4471 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài của SHB ở mức 10%.

Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài của SHB là 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 với thời hạn tối đa 6 tháng.

Công ty tài chính đã hết thời "gà đẻ trứng vàng"?

Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Năm nay, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.

Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước đã nhiều lần hé lộ kế hoạch "săn tìm" và mua lại công ty tài chính. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. 

Đầu quý 2 vừa qua, VPBank đã bán thành công 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.

Không chỉ VPBank, hiện có không ít ngân hàng cũng đang lên kế hoạch bán vốn, thậm chí thoái toàn bộ vốn tại các công ty tài chính.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, Tổng giám đốc MSB là ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB sẽ bán 100% Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), thay vì kế hoạch bán 50% như lúc đầu. Hiện có 2-3 đối tác đang làm việc với ngân hàng và thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm 2022.

Theo ước tính của Công ty chứng khoán Guotai Junan Vietnam, thương vụ có thể giúp MSB mang về khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận.

Từ năm ngoái MSB đã công bố sẽ chuyển nhượng 50% vốn của Công ty tài chính FCCOM với giá 42 triệu USD cho Hyundai Card - công ty phát hành thẻ tín dụng của Hyundai Motor. Nhưng thương vụ trên không hoàn thành vì các cổ đông lớn của Hyundai chuyển hướng kinh doanh do Covid-19.