Sếp Tổng cục Thống kê: "Tỷ lệ phá sản ở Việt Nam thua New Zealand và Anh!"
(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tại Họp báo Công bố chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ sáng nay 13/10.
Trả lời câu hỏi của báo giới về nghi ngại con số phá sản của doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cao và điều này bất thường, đề nghị Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân.
Ông Lâm khẳng định: Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam không mâu thuẫn nhau, nó phản ánh đúng xu thế của thị trường.
"Trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp thành lập và giải thể là câu chuyện rất bình thường. Tôi đã nhiều lần nói về vấn đề này!", ông nói.
Ông Lâm khẳng định: "Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới. Số doanh nghiệp thành lập mới tồn tại lên đến 90%.
"New Zealand tỷ lệ có doanh nghiệp phá sản cao, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới, chỉ có 16% tồn tại, hoạt động, tỷ lệ phá sản trên 80%. Nước Anh, số doanh nghiệp thành lập mới phá sản đạt trên 60%", ông Lâm khẳng định.
Người đứng đầu ngành thống kê khẳng định: "Về điều tra nguyên nhân và lý do doanh nghiệp giải thể, hiện nay chúng tôi chưa có. Sắp tới sẽ có bộ tiêu chí câu hỏi lý do doanh nghiệp phá sản".
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: Việc thành lập và phá sản doanh nghiệp trong kinh tế thị trường nên có cái nhìn công tâm. Tại Việt Nam, tỷ lệ này khá thấp, các nước khác cứ 10 doanh nghiệp thành lập thì có tới 6 doanh nghiệp phá sản.
Tuy nhiên, thực chất vấn đề phá sản, tạm ngừng hoạt động hay thành lập mới là các cơ quan Nhà nước phải tìm ra doanh nghiệp có khó khăn gì? tại sao phá sản? Làm nào để thuận lợi cho họ hoạt động, giảm khó khăn...
Trả lời câu hỏi về số doanh nghiệp Việt hiện nay chủ yếu nhỏ, siêu nhỏ và thậm chí không muốn lớn, ông Lâm thừa nhận: Doanh nghiệp Việt Nam hiện chiếm 96% ngoài nhà nước, quy mô nhỏ, siêu nhỉ. Đây là một đặc trưng của văn hóa xã hội, kinh tế xã hội của Việt Nam.
"Các doanh nghiệp chủ yếu lập ra để làm nhà hàng, họ không công nghệ, họ muốn nhỏ nhỏ để hoạt động tốt, liên quan đến công nghệ", ông Lâm nói.
Hiện chúng ta đang có 5,1 triệu hộ kinh doanh chưa phải là doanh nghiệp với hơn 8 triệu lao động. Vậy làm thế nào để có hỗ trợ để họ lên thành doanh nghiệp. Mục tiêu 1 triệu lao động, hiện nay 702.000 doanh nghiệp đang tồn tại, mỗi năm thành lập trên 100.000 doanh nghiệp nữa, mục tiêu 1 triệu có khả năng đạt được.
An Linh