Sếp Tây làm giàu với món thịt chó hun khói

Khoái thịt chó và thích phong cách thưởng thức món ăn của người Việt, Jiri Kaspar - ông chủ tập đoàn sản xuất đồ nguội của CH Czech quyết định đầu tư vào Việt Nam, rồi chọn nơi đây là điểm dừng chân cuối cùng.

Vui vẻ, khoái uống bia nhâm nhi với đồ nguội, Jiri Kaspar - người được mệnh danh là Ông Già IKA- nói về món cầy tơ một cách hào hứng. Sau nhiều lần khảo sát thị trường, tìm hiểu đời sống ẩm thực của người Việt, IKA quyết định đưa các sản phẩm thịt hun khói truyền thống của mình tại CH Czech vào Việt Nam. Ông gần như là doanh nhân nước ngoài đầu tiên nghĩ ra ý tưởng sản xuất thịt chó hun khói tại Việt Nam

 

Ông lý giải, khác với châu Âu và nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, thịt chó là món ăn bình dân, giàu chất đạm mà hầu như ai cũng biết. "Thông qua những người bạn, tôi đã có dịp thưởng thức món ăn thịt chó và ý tưởng thịt chó hun khói được ra đời từ đây. Vị hun khói quyện với mùi sả, riềng làm cho miếng thịt chó cắt lát mỏng có vị ngon đặc biệt", ông IKA nói.

 

Sinh năm 1947 tại thành phố thành phố nhỏ Chocen - CH Czech, Jiri Kaspar được mọi người gọi với cái tên thân mật IKA. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống sản xuất đồ nguội, IKA được thừa hưởng những bí quyết pha chế và công thức làm các sản phẩm xúc xích và thịt hun khói. Hồi nhỏ, IKA thường được mẹ cho nếm thử các sản phẩm vừa mới ra lò, lúc bấy giờ, ông luôn mong muốn được tự tay chế biến các sản phẩm này. Niềm đam mê đã giúp ông có cảm nhận được vị đậm đặc của sản phẩm ngay cả khi vẫn đang được hấp trong lò.

 

IKA có 2 người con. Con gái từng là người mẫu, bây giờ làm việc ở nhà băng tại CH Czech, con trai là đầu bếp trưởng của 1 nhà hàng tại London.

 

IKA cho hay, các sản phẩm thịt hun khói được làm rất công phu, từ khâu tuyển lựa thịt cho đến khi đóng gói. Các sản phẩm này bắt buộc phải được hun khói bằng loại gỗ sồi liên tiếp trong nhiều giờ. Các sản phẩm hun khói thành công nhất của IKA là loại xúc xích Klobasa, chân giò, thịt thăn, ba chỉ, gà hun khói. Klobasa được làm từ thịt lợn và thịt bò được tuyển chọn kỹ, thịt phải còn tươi ngon, không sử dụng thịt đông lạnh, cắt thành những miếng nhỏ và tẩm ướp theo hương vị đặc trưng riêng của gia đình, được nhồi thành xúc xích. Sau đó hun khói bằng gỗ sồi. Công đoạn này thường kéo dài trong vòng 3 tuần. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm.

 

Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng

 

Những năm đầu của thập kỷ 90, CH Czech lúc bấy giờ có tên là Tiệp Khắc bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước không còn được hưởng chính sách bảo hộ. Những doanh nghiệp trong nước hoạt động theo kiểu truyền thống như IKA đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn nước ngoài. Công nghệ lạc hậu, nhân lực quá mỏng, IKA đứng trước nguy cơ bị phá sản.

 

Sau nhiều đêm mất ngủ, IKA quyết định tiếp tục sản xuất các sản phẩm truyền thống gia đình, đồng thời tiếp thu công nghệ tiên tiến để cải tiến mẫu mã và tuyên truyền để người dân tin tưởng vào các sản phẩm chính nội. Kết quả là, sau một thời kỳ bị choáng ngợp với các sản phẩm nhập ngoại, người dân bắt đầu nhận xét và đánh giá lại giá trị của từng sản phẩm: "Không phải sản phẩm nhập ngoại nào cũng tốt hơn sản phẩm nội địa". Sản phẩm thịt hun khói của gia đình IKA đã dần được khôi phục và phát triển.

 

Từng đi nhiều nơi, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách chuyên gia thực phẩm, thế nhưng khi trao đổi với VnExpress IKA nói mình như có duyên với Việt Nam và ông dự định sẽ chọn đây là điểm dừng chân cuối cùng. Hình ảnh Việt Nam đến với IKA tình cờ nhưng lại giống như sự đưa đẩy của số phận.

 

Những năm 80 có khá đông người Việt sang học tập và lao động tại nước Tiệp Khắc cũ. Ông đã làm quen với một sinh viên người Việt thuộc Trường Đại học Máy Praha. Qua lời kể của cậu sinh viên này ông đã cảm mến đất nước và con người Việt Nam. Năm 2001, IKA sang Việt Nam. Sau khi thăm thú một số siêu thị, ông nhận thấy sản phẩm thịt hun khói vẫn còn nghèo nàn về mẫu mã và chủng loại. Khi về nước ông nung nấu ý tưởng: "Làm thế nào để đưa được sản phẩm của mình thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này". Một buổi chiều mùa thu năm 2001, khi quay trở lại Việt Nam, ông bèn liên lạc với cậu sinh viên thủa nào để chia sẻ ý tưởng này và xưởng sản xuất thịt hun khói ra đời từ đây. Và một trong những sản phẩm độc đáo của xưởng đó là thịt chó hun khói.

 

Theo Hồng Anh
VnExpress