1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sếp Eximbank nói gì khi được góp ý "ai làm cũng được, tranh nhau làm gì"?

Việt Đức

(Dân trí) - Bị nhà đầu tư chất vấn về sự đấu đá trong nội bộ HĐQT Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú cho biết những thông tin trên thuộc về nhiệm kỳ cũ còn ban lãnh đạo mới đang nỗ lực đồng lòng đưa ngân hàng đi lên.

Sau khi đại hội cổ đông thường niên không thể diễn ra vào cuối tháng 4 do số lượng cổ đông tham dự không đại diện đủ số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tối thiểu, cuối cùng, sáng nay (27/5), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) cũng đã tổ chức được đại hội lần hai.

Nếu như trong lần tổ chức trước chỉ có 90 cổ đông tham dự, đại diện 56% cổ phần ngân hàng thì trong sáng nay, hơn 160 nhà đầu tư đại diện gần 95% cổ phần có quyền biểu quyết của Eximbank đã có mặt giúp nhà băng này không phải dời đại hội thêm một lần nữa.

Trong phần thảo luận với ban lãnh đạo, một nhà đầu tư lớn tuổi của Eximbank chia sẻ vui mừng vì cuối cùng ngân hàng cũng có thể họp đại hội, bà không phải đến rồi lại đi về ngay như những lần trước. Cổ đông cũng thẳng thắn đặt câu hỏi về thông tin có sự đấu đá trong HĐQT ngân hàng thời gian qua hay không. "Ai làm cũng được, tranh giành nhau làm gì, tôi mong chúng ta đoàn kết đưa ngân hàng phát triển", nữ cổ đông phát biểu. 

Trả lời nhà đầu tư, tân Chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú nhấn mạnh HĐQT hiện tại của ngân hàng là nhiệm kỳ mới còn những thông tin liên quan đến nội bộ ban lãnh đạo nhiệm kỳ cũ đã kết thúc.

"Tỷ lệ tham dự đại hội lần này gần 95%, tương đối đông đủ. Chúng tôi cố gắng đưa Eximbank trở lại quỹ đạo, càng ngày càng đi lên chứ chúng ta hiện nay đang tụt lại quá sâu so với các ngân hàng bạn trên thị trường tài chính Việt Nam", bà Tú phát biểu.

Sếp Eximbank nói gì khi được góp ý ai làm cũng được, tranh nhau làm gì? - 1

Chủ tịch HĐQT Eximbank Lương Thị Cẩm Tú (ngồi giữa) điều hành đại hội của ngân hàng ngày 27/5 (Ảnh: Việt Đức).

Tại đại hội, lãnh đạo Eximbank cũng nhận được câu hỏi làm thế nào để đảm bảo lợi ích của ngân hàng khi các thành viên trong HĐQT mới đại diện cho nhiều nhóm nhà đầu tư khác nhau liên quan các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Hiện tại, các nhân sự trong ban lãnh đạo Eximbank do nhiều nhóm cổ đông khác nhau đề cử, liên quan nhiều doanh nghiệp lớn như Thành Công, Bamboo Capital, Hoàn Cầu, Âu Lạc.

Bà Tú thừa nhận các thành viên trong HĐQT được nhiều nhóm cổ đông ủy quyền nhưng có cùng mục tiêu thực hiện chiến lược của ngân hàng một cách minh bạch hóa, đưa kết quả kinh doanh đi lên.

"Không có nhóm cổ đông nào hoặc nhóm lợi ích nào có thể chi phối hoạt động HĐQT Eximbank. HĐQT nhiệm kỳ 7 đảm bảo cho Eximbank phát triển tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho tất cả nhà đầu tư, nhân viên, xã hội", chủ tịch Eximbank chia sẻ.

Theo bà, với những nhóm cổ đông có hệ sinh thái mạnh, có thể trở thành khách hàng, Eximbank vẫn làm việc, dựa trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ tất cả quy định pháp luật liên quan lĩnh vực tín dụng, đầu tư, đảm bảo an toàn, lành mạnh, hạn chế rủi ro cho ngân hàng. Bà Tú kỳ vọng với sự tương trợ của các nhóm cổ đông, sự đồng lòng của HĐQT, ban điều hành, Eximbank sẽ cố gắng trở lại top 10 trong ngành. 

Sếp Eximbank nói gì khi được góp ý ai làm cũng được, tranh nhau làm gì? - 2

(Biểu đồ: Việt Đức).

Chia sẻ cụ thể hơn về hoạt động kinh doanh, Tổng giám đốc Eximbank Trần Tấn Lộc cho biết năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao gấp đôi năm 2021, lên tới 2.500 tỷ đồng. Theo ông Lộc, ban điều hành có nhiều biện pháp cụ thể để đạt kế hoạch như cơ cấu lại nguồn vốn, thúc đẩy các hoạt động ngoài tín dụng, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ. Ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận và thực tế sau quý I cũng đã hoàn thành 30% kế hoạch.

Về dài hạn, để rút ngắn khoảng cách với các ngân hàng trên thị trường sau thời gian bị tụt lại, ông Lộc cho rằng Eximbank vẫn có lợi thế cạnh tranh là thương hiệu lớn. Nếu hành động quyết liệt, ông hy vọng Eximbank sẽ sớm rút ngắn khoảng cách với đối thủ trên thị trường.