Sẽ xây dựng các đập nước di động trên sông Hồng

(Dân trí) - Theo nguồn tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang bàn bạc, phối hợp với Tập đoàn này để xây dựng những đập nước trên sông Hồng.

Cụ thể, theo ông Nguyến Quốc Chính, Phó ban kỹ thuật - sản xuất của EVN, tình trạng thiếu nước tưới tiêu ở một số khu vực đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội, nhất là các các vùng thuộc tỉnh Hà tây cũ (trước khi sáp nhập vào Hà Nội), cùng với tình trạng nguồn nước giảm sút trên sông Hồng đã khiến cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt vấn đề phải nâng cao mực nước sông Hồng, nhất là vào những thời điểm cần tưới tiêu, xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phương án làm các đập nước trên sông Hồng đã được đặt ra từ 1 - 2 năm qua.

Xả nước, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp ở một trạm bơm Hà Nội
Xả nước, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp ở một trạm bơm Hà Nội

“Việc có các đập nước này sẽ giúp cải thiện việc đổ ải, cung ứng nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”, ông Chính nói trong cuộc họp về việc đổ ải phục vụ vụ trồng lúa đông-xuân mới đây.

"Cái khó lớn nhất trong việc xây dựng đập nước trên sông Hồng là vấp phải quan điểm là các đập đó sẽ gây cản trở giao thông thủy", ông Nguyễn Quốc Chính, Phó ban Kỹ thuật-sản xuất, EVN

Trao đổi với Dân trí, ông Chính cho biết, các đập nước này sẽ là dạng đập di động, bằng cao su để có thể sử dụng vào mùa khô, khi sông Hồng cạn nước, làm mực nước dâng cao hơn, nhờ đó các trạm bơm có thể lấy nước vào đồng ruộng. Vốn đầu tư làm các đập nước này có thể lên tới vài trăm tỉ đồng, tuy nhiên, đó lại không phải là vấn đề lớn.

“Việc đầu tư, làm các đập nước này không khó, nhưng cái khó nhất là nó vấp phải một số ý kiến phản đối, nhất là từ ngành giao thông vì e ngại các đập nước sẽ làm cản trở giao thông thủy trên sông Hồng. Ngoài ra, khi có các đập nước này, tuy giải quyết được khó khăn về cung ứng nước cho một số quận, huyện ở Hà Nội nhưng có thể gây thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía hạ du như Hà Nam, Thái Bình”, ông Chính nói.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Chính, vừa qua, đã có một số cuộc họp giữa các ngành, địa phương và các nhà khoa học về vấn đề này và có nhiều ý kiến khác nhau nên kế hoạch trên chưa xác định được thời điểm thực hiện.

“Mặc dù vậy, đã có một số ý kiến thống nhất là có thể trước mắt làm thí điểm như làm một đập thủy lợi trên sông Đuống, một nhánh của sông Hồng - nơi mức độ giao thông thủy không lớn, xong rút kinh nghiệm, triển khai làm các đập tiếp theo”, ông Chính tiết lộ.

EVN cũng cho biết, do hiện nay, việc xây dựng các đập nước di động này vẫn đang trong quá trình trao đổi nên chưa xác định chắc chắn thời điểm thực hiện và vốn đầu tư.

Thăm dò ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ xem xét thông qua đề xuất đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với Thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Theo bạn:
Đây là dự án có hiệu quả về kinh tế - xã hội, Chính phủ nên xem xét, thông qua. Chính phủ bác bỏ ngay đề xuất này vì đây là dự án sẽ có nhiều tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội. Chỉ chấp nhận một phần dự án: Làm dự án giao thông hoặc chỉ làm dự án thủy điện. Ý kiến khác
Sẽ xây dựng các đập nước di động trên sông Hồng - 2
Sẽ xây dựng các đập nước di động trên sông Hồng - 3

Mạnh Quân

Sẽ xây dựng các đập nước di động trên sông Hồng - 2