Sẽ thu hồi nếu chuyển nhượng đất nông nghiệp mà không sản xuất

(Dân trí) - Với đất trồng lúa, chỉ có hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng và được gia hạn sử dụng. Trường hợp đã nhận chuyển nhượng nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Nhà nước sẽ thu hồi lại...

Đây là thông tin đã được đưa ra vào buổi họp báo chiều 7/3 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức nhằm tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan tới chính sách đất đai đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Sẽ thu hồi nếu chuyển nhượng đất nông nghiệp mà không sản xuất
Nhà nước sẽ thu hồi nếu chuyển nhượng đất nông nghiệp mà không trực tiếp sản xuất (ảnh minh họa)
 
Theo đó, để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trước thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp vào cuối năm 2013, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, cần phải triển khai ngay một số giải pháp.

Cụ thể, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... thường trú tại địa phương đang sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao trước đây, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thêm 20 năm nữa, tức là đến năm 2033.

Người dân sẽ không phải làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng đất mà áp dụng điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận (GCN) đã cấp trước đây. Trường hợp có nhu cầu thế chấp, chuyển nhượng... thì tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục điều chỉnh thời hạn trên GCN.

Với những hộ không thuộc diện thường trú tại địa phương và đất sử dụng có nguồn gốc là đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven sông, biển... đã được các địa phương cho đấu thầu, giao, cho thuê có thời hạn (đến nay đã hết hạn), nếu có nhu cầu sử dụng tiếp thì cũng được gia hạn sử dụng. Khác với hộ trường trú, các hộ này sẽ phải làm thủ tục để được gia hạn.

Đáng chú ý, tại buổi họp báo, trước câu hỏi của phóng viên về những trường hợp đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nay có được tiếp tục sử dụng hay Nhà nước sẽ thu hồi để giao cho đối tượng khác, ông Đào Trung Chính khẳng định:

“Với đất trồng lúa, chỉ có hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng và được gia hạn sử dụng. Trường hợp đã nhận chuyển nhượng nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Nhà nước sẽ thu hồi lại. Với những trường hợp thực hiện dồn điền đổi thửa, GCN mới sẽ ghi thời hạn sử dụng đến năm 2033.”

Cũng theo ông Chính, Bộ TN&MT sẽ có thông tư hướng dẫn việc này trước ngày 15-10-2013, khi hết hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai 1993.

Liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất Tiên Lãng, ông Bùi Sỹ Dũng – Phó Vụ trưởng Vu Chính sách pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, Bộ TN&MT đang soạn thảo văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ xử lý vụ việc thu hồi cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn nói riêng và các hộ khác nói chung tại địa bàn huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng trong phạm vi chức năng của ngành.

Theo ông Dũng, hướng xử lý sẽ căn cứ vào quyết định giao đất, thu hồi và cưỡng chế đất của tất cả các trường hợp tương tự trên địa bàn. Thực tế, các quyết định này có trước và sau Luật Đất đai năm 1993 vì thế có quyết định đúng, có quyết định sai và đúng một phần. Từ đó, căn cứ từng trường hợp cụ thể để giải quyết có thu hồi không.

“Cơ bản tinh thần là hủy hết các quyết định thu hồi đất khi hết thời hạn theo quyết định giao đấy để người dân tiếp tục sử dụng đất để sản xuất. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục xác định rõ từng trường hợp” – ông Dũng khẳng định.

Lan Hương