Thứ trưởng Xây dựng:

Sẽ nghiên cứu trình ban hành quy định về danh mục dự án xanh

Dương Tâm

(Dân trí) - Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh...

Xây dựng nhà ở xã hội xanh

Ngày 3/10-4/10, Bộ Xây dựng phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024: "Phát triển công trình xanh - Chuyển động từ chính sách đến thực tiễn".

Phát biểu khai mạc, bà Mai Thị Liên Hương, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cho biết, ngành xây dựng là lĩnh vực đóng góp lớn vào lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng với hơn 30% lượng khí thải trên toàn cầu. 

Đồng thời, điều đó cũng là một tác nhân gây biến đổi khí hậu, dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy và giông bão mạnh... Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ đề ra các giải pháp phát triển số lượng nhà ở mà còn quan tâm đến nâng cao chất lượng sống theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp.

Sẽ nghiên cứu trình ban hành quy định về danh mục dự án xanh - 1

Bà Mai Thị Liên Hương - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Ảnh: Bộ Xây dựng).

Theo bà Hương, việc xây dựng nhà ở xã hội xanh không chỉ giúp giảm phát thải mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà không làm tăng giá nhà.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Vinh - Phó trưởng phòng Quản lý, phát triển nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - thông tin theo kế hoạch chưa đầy đủ của 42/63 địa phương thì ước tính diện tích nhà ở bình quân năm 2024 của cả nước là khoảng 26,5m2/người. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng đến hết tháng 4, số lượng công trình xanh trên cả nước đã đạt được khoảng trên 400 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2.  

Đề cập đến hạn chế, bất cập trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, nguyên nhân chính có thể kể đến là do nhận thức về bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng khi phát triển nhà ở chưa thực sự đầy đủ.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế và chi phí đầu tư công trình nhà ở này thường cao hơn chi phí nhà ở thông thường 1-2%. Ngoài ra, sự tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng còn thiếu. Vì vậy, chủ đầu tư và khách hàng mua, thuê mua, thuê nhà ở ít quan tâm đến phân khúc này.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh

Phát biểu tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Cụ thể, theo Quyết định 280, đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng; đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Sẽ nghiên cứu trình ban hành quy định về danh mục dự án xanh - 2

Ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Ảnh: Bộ Xây dựng).

Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, loại hình công trình đạt chứng nhận công trình cũng được mở rộng sang nhiều loại hình công trình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. 

Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Cụ thể là thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh. Bộ này cũng nêu nhiều giải pháp như quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; xử lý các vấn đề liên quan tới công trình xanh...