1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sẽ mua lại trái phiếu Chính phủ lô lẻ

(Dân trí) - Năm 2010, Chính phủ dự kiến phát hành 56.000 tỷ đồng trái phiếu chủ yếu dưới dạng trái phiếu lô lớn, mua lại những trái phiếu lô nhỏ để cơ cấu lại danh mục trái phiếu, tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Bên lề Hội nghị “Thị trường vốn và tài chính Việt Nam”, báo giới đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) về thị trường trái phiếu Việt Nam.
 
Thưa ông, trong năm 2009, việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã không được thành công lắm. Vậy việc phát hành 56.000 tỷ của năm 2010 sẽ ra sao?
 
Con số 56.000 tỷ đồng là con số được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu đó. Trong năm tới, Chính phủ cần rất nhiều tiền, tiền vốn trung và dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đảm bảo các điều kiện cần thiết để kinh tế phát triển.
 
Có thể nói 2008 - 2009 là năm khó khăn không chỉ của nền kinh tế trong nước mà cả trên thế giới nên việc phát hành trái phiếu Chính phủ chưa thành công là có yếu tố khách quan của nó. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tài chính.
 
Do đó, không thể vì phát hành trái phiếu Chính phủ không thành công mà đẩy lãi suất lên cao, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.
 
Trong năm 2010, Chính phủ, các Bộ ban ngành sẽ có những hành động gì để phát hành thành công số lượng trái phiếu đó?
 
Chúng ta đã ban hành Luật quản lý nợ công. Trong thời gian tới, trách nhiệm của các cơ quan là phải ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn đối với việc này, cả về trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp trong nước và cả phát hành ra nước ngoài.
 
Hơn nữa, chúng tôi khẳng định là sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường, cơ sở thanh toán, cơ sở lưu ký và đảm bảo giao dịch trái phiếu tập trung tại Sở GDCK Hà Nội.
 
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu theo lô lớn, thực hiện cơ cấu lại danh mục trái phiếu, mua lại trái phiếu lô lẻ nhằm giảm bớt mã trái phiếu trên thị trường để nâng cao tính thanh khoản. Đây cũng là kiến nghị của rất nhiều tổ chức quốc tế.
 
Việt Nam hiện có trên 500 mã trái phiếu. Tất nhiên trong giai đoạn vừa qua có nhiều yếu tố khách quan làm số lượng trái phiếu nhiều như vậy. Theo ý kiến của tôi là tương đối nhiều và cần cơ cấu lại.
 
Theo dự đoán của ông, thành công của việc phát hành thêm 56.000 tỷ đồng như thế nào?
 
Năm 2010, kinh tế chung của cả Việt Nam và thế giới trong quá trình phục hồi. Và chúng tôi đã thấy sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, nhất là sự quan tâm vào các tổ chức, các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư, công ty bảo hiểm… đang có nhiều tiềm năng phát triển.
 
Các doanh nghiệp này lại rất cần có vốn trung và dài hạn thông qua phát hành trái phiếu để đảm bảo hoạt động, phát triển của mình. Chính vì vậy, nhu cầu đối với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã phục hồi rất mạnh.
 
Ông có nhận xét gì về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất cơ bản và tác động của nó đối với thị trường trái phiếu?
 
Đây là chủ trương của Chính phủ, chúng ta cần phải ủng hộ, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên khi lãi suất cơ bản tăng từ 7% lên 8% sẽ có tác động làm tăng lãi suất trên thị trường trái phiếu.
 
Thưa ông, NĐT nước ngoài trên thị trường đã ra đi từ năm 2008 và đến giờ chưa quay lại. Liệu ngoài những yếu tố khách quan như ông vừa nói thì NĐT nước ngoài có quan ngại gì về nền tảng kinh tế vĩ mô của chúng ta hay không?
 
Về vĩ mô, tôi vẫn khẳng định Việt Nam là một nước đang phát triển. Do đó, Việt Nam có những yếu tố rủi ro của bất cứ một nước đang phát triển nào: Rủi ro về thanh khoản, thị trường ngoại hối.
 
Tôi hy vọng với các bước điều hành về vĩ mô của các bộ, ngành, của Chính phủ, chúng ta sẽ sớm khôi phục được niềm tin của các NĐT nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và với thị trường vốn, trái phiếu nói riêng.
 
Vậy theo ông, rủi ro tỷ giá có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường?
 
Thực ra, cái rủi ro tỷ giá là rõ ràng. Khi các NĐT nước ngoài đem ngoại tệ vào Việt Nam, đổi ra đồng Việt Nam để đầu tư thì rủi ro tỷ giá là cái đầu tiên họ phải chịu. Chính vì vậy, cam kết của Chính phủ là cố gắng đảm bảo môi trường vĩ mô, ổn định một cách tối đa để tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của thị trường vốn.
 
- Xin cám ơn ông!
 
An Hạ