Sẽ mở sàn vàng quốc gia

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng giải pháp kinh doanh vàng tài khoản sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá.

Ngày 7/10 tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Sẽ mở sàn vàng quốc gia - 1
Sẽ mở sàn vàng quốc gia theo hướng liên thông với quốc tế
 
Liên thông với thị trường quốc tế
 
Quan điểm chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là chỉ cho phép một số NH có lựa chọn huy động vốn bằng vàng và NHNN sẽ quản lý số vàng này. NHNN cho phép các NH trên phát hành chứng chỉ vàng, chứng chỉ này được mua bán trên thị trường. NHNN cũng có thể trả phí nhất định để sử dụng vàng của các NH thương mại nhằm phục vụ mục đích dự trữ, can thiệp thị trường khi cần thiết.
 
Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết cơ quan này đang mắc kẹt với nhiệm vụ cân bằng giá vàng trong nước với quốc tế, trong khi không có nguồn vàng sản xuất trong nước.

 

Theo ông Nghĩa, giải pháp cho kinh doanh vàng tài khoản sẽ có hiệu ứng tốt, phù hợp xu thế hiện nay vì tạo được sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thế giới một cách nhanh nhất, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá.

 
Bên cạnh đó, cho mở lại vàng tài khoản cũng có nhiều lợi ích như không tốn thêm ngoại tệ cho việc nhập vàng nhưng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của dân; tiết kiệm được chi phí xã hội khi tận dụng nguồn lực vàng trong dân; triệt tiêu cơ hội làm giá, đầu cơ của giới kinh doanh vàng; hạn chế tình trạng nhập lậu vàng; kiểm soát được số lượng vàng xuất, nhập thông qua hạn mức giao dịch trên tài khoản…
 
“Lãnh đạo của NHNN đã trình bày các giải pháp trong đề án quản lý, kinh doanh vàng với Chính phủ. Theo đó, sẽ cho mở sàn vàng quốc gia để mua bán vàng chứng chỉ và vàng tài khoản” – ông Nghĩa nói.
 
Thanh lọc ngân hàng: Không dọa!
 
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia về việc lập kế hoạch tái cấu trúc hệ thống NH để có thể triển khai ngay trong những tháng cuối năm.
 
“Nhiệm vụ này được xem là cấp thiết vì nợ xấu của hệ thống NH đã lên đến 75.000 tỉ đồng, vượt quá sức chịu đựng và can thiệp của ngân sách Nhà nước. Hiện nay, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đang gấp rút xây dựng đề án này” – ông Nghĩa nói.
 
Đây là đợt tái cấu trúc lần thứ 2 của hệ thống NH Việt Nam. Theo đề án của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tái cấu trúc NH lần này vẫn như trước nhưng nhấn mạnh vấn đề giám sát và quản trị rủi ro.
 
Đây là điểm yếu nhất của hệ thống NH vì hiện nay, nhiều hệ thống giám sát rủi ro của các NH thương mại chỉ là “hàng mã”, lập ra để đối phó với quy định của NHNN.
 
NHNN chủ trương tăng trưởng tín dụng trong những năm tới không quá 20%, tổng phương tiện thanh toán không quá 16% nên chắc chắn các NH nhỏ sẽ gặp khó khăn và có nguy cơ lặp lại hiện tượng xé rào đi đêm lãi suất.
 
“Tôi đã đề nghị Chính phủ phải làm thật chứ không dọa. Muốn kinh tế đi lên vững chắc, dứt khoát phải có hệ thống NH sạch. Giai đoạn trước đã loại bỏ 16 NH yếu kém, lần này số lượng chắc chắn sẽ không dừng ở con số đó” - ông Nghĩa nói.
 
Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết Thanh tra Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã nhận thấy có dấu hiệu vốn ảo, một cá nhân sở hữu đến 70% cổ phần tại một NH trong khi luật chỉ cho phép 5%. “Việc này vượt quá quyền hạn của thanh tra ủy ban nên sẽ đề nghị công an điều tra” – ông Nghĩa nói.
 

Khu vực ngân hàng đang yếu đi

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết khu vực NH đang yếu đi với tỉ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 6-2011 là 75.000 tỉ đồng, ở mức 3,13%, cao hơn nhiều so với mức 2,16% vào cuối năm 2010 và đang tiếp tục tăng nhanh.

Đáng lo ngại là nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm tới 47%. Gần đây, NH có tổng tài sản lớn là NN-PTNT đã công bố số nợ xấu 6,7%, các NH lớn khác cũng đều báo cáo con số nợ xấu cao.

 
Theo Phương Anh

Pháp luật TP.HCM