1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sẽ làm đường bê tông xi măng thay thế bê tông nhựa

(Dân trí) - Bê tông xi măng đắt hơn nhiều so với bê tông nhựa, nhưng thực hiện sự đổi mới này được cho là sẽ tận dụng được tốt nguồn lực sẵn có và nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam với nguồn vốn là trái phiếu Chính phủ.

Sau nhiều lần bị Chính phủ “thúc”, nội dung này đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Xây dựng ký kết phối hợp triển khai. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết sẽ có quy hoạch tổng thể và kế hoạch về tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam.

“Xuất khẩu xi măng là bán than và điện giá rẻ”

Trong văn bản ký kết của 2 Bộ nói trên, việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ với mục tiêu ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiềm chế nhập siêu, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, việc sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn nhằm hoàn thiện đơn giá, định mức - chi phí xây dựng, đề ra các giải pháp, cơ chế chính sách có tính chất đột phá.
 
Sẽ làm đường bê tông xi măng thay thế bê tông nhựa
Đường bê tông xi măng sẽ được sử dụng nhằm huy động tốt nguồn nội lực sẵn có
(ảnh: QĐND)

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc triển khai hiệu quả chương trình sử dụng xi măng trong xây dựng sẽ góp phần phát huy nội lực trong nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nhập siêu.

“Tôi phản đối việc xuất khẩu xi măng, bởi xuất khẩu xi măng là xuất khẩu điện giá rẻ và than giá rẻ, trong khi đó chúng ta lại đang phải nhập khẩu ngược lại những thứ đó với giá cao. Việc xuất khẩu xi mang dẫn đến lãng phí tài nguyên quốc gia, vì nếu tính đúng giá điện, giá than thì giá thành xi măng không thể thấp như vậy.” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ ra khả năng sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam hiện nay là rất lớn, phù hợp các vùng như: Tây Bắc, vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt - miền Trung, vùng ven biển, đường Hồ Chí Minh... Đặc biệt, hiệu quả thực tế về sử dụng xi măng đã được kiểm nghiệm tại đường băng sân bay, các tuyến đường giao thông nông thôn có chất lượng và tuổi thọ rất tốt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh sử dụng vật liệu là xi măng để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Đề án sử dụng xi măng trong xây dựng hạ tầng giao thông được Bộ Xây dựng đề xuất từ năm 2009 và đã được Chính phủ thông qua, nhưng đến nay 2 Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải mới có thể ngồi lại với nhau để ký kết phối hợp triển khai thực hiện.

“Bê tông xi măng đòi hỏi nền đường phải tốt. Ưu điểm của bê tông xi măng là có tuổi thọ tới 30 năm, còn bê tông nhựa thì chỉ từ 5-10 là phải sửa chữa, cải tạo, điều này cho thấy rõ ràng chất lượng khi sử dụng xi măng tốt hơn nhiều. Xi măng là sản phẩm mà chúng ta có thể tự sản xuất và khai thác được, luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ cho thi công nên sẽ là rất hiệu quả về mặt kinh tế, nguyên vật liệu, giá thành… trong thi công xây dựng công trình giao thông.” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay.

Làm thật chứ không có chuyện thử

Tiến trình triển khai rà soát và thử nghiệm xây dựng công trình giao thông bằng xi măng được Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT báo cáo sẽ lựa chọn gồm 4 làn xe cho dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên (dự án thành phần 2). Tuyến đường này có tổng chiều dài gần 25km, với quy mô cấp III đồng bằng và quy mô quy hoạch cấp II đồng bằng, tuyến đường có điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn đặc trưng cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Song, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định nói là làm thử nhưng thực chất là làm thật, không thể có chuyện bảo làm thử rồi sau đó xong xuôi lại đào lên vứt đi, tránh lãng phí.
 
Ngoài ra, Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng để có được đánh giá tổng thể chính xác hiệu quả và chất lượng của xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thì cần triển khai làm trên tất cả các loại đường chứ không nên thí điểm 1 loại đường cao tốc cấp đồng bằng có điều kiện địa chất và thủy văn tốt, phải làm cả đường ở vùng Tây Bắc, vùng ngập lụt… Trong đó, mục tiêu kiên quyết là giá thành làm mặt đường bê tông xi măng giá mặt đường bê tông nhựa và phải bảo hành chất lượng ít nhất 10 năm.

Được biết, ngay trong tháng 4/2012, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Vụ KHĐT hoàn thành quy hoạch sử dụng xi măng đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 để từ đó có kế hoạch triển khai cụ thể. Cũng trong tháng 4/2012, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này để sớm triển khai áp dụng vào thực tiễn.

Với đề án án này, Bộ GTVT tự tin về nguồn vốn có thể xử lý được cho các công trình từ trái phiếu Chính phủ, những nơi chưa có sẽ làm đề án phát hành trái phiếu bằng 1 loại giấy mua xi măng sau vài năm sẽ thanh toán.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm