Sẽ có trên 10 ngân hàng bị loại khỏi hệ thống

(Dân trí) - Có lẽ chưa mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng lại “nóng” chuyện mua bán, sáp nhập như năm nay. Nếu mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch của các ngân hàng thì sẽ có trên 10 ngân hàng bị loại ra khỏi hệ thống sau 2 đợt tái cấu trúc.

Thị trường nóng chuyện mua bán, sáp nhập ngân hàng.
Thị trường "nóng" chuyện mua bán, sáp nhập ngân hàng.

Chuyện mua bán, sáp nhập ngân hàng đang là mối quan tâm thu hút dư luận trong những ngày gần đây khi các ngân hàng đồng loạt “hé lộ” các phương án trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Còn nhớ, tại đại hội cổ đông của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, Sacombank đã được cổ đông chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Dù chấp thuận việc sáp nhập nhưng một số cổ đông của Sacombank đã đặt một số dấu hỏi về vấn đề nhận sáp nhập Southern Bank, bởi trên thực tế, Phương Nam là ngân hàng có nợ xấu cao, lợi nhuận thấp. Và chủ trương sáp nhập này cũng gây bất ngờ bởi trước đó, nhiều thông tin cho rằng Sacombank sẽ về “chung nhà” với Eximbank.

Một trong những thương vụ sáp nhập được chú ý phải kể đến là việc Maritime Bank sẽ trình cổ đông thông qua sáp nhập một tổ chức tín dụng. Theo thông tin chưa chính thức, tổ chức tín dụng mà Maritime Bank “kết hôn” là Ngân hàng Phát triển Mê Kông. Hiện Maritime Bank đang là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu hơn 10%.

Hay như thông tin Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sẽ “về với” VietinBank với mô hình "ngân hàng trong ngân hàng" khi Vietinbank sở hữu đến 99% cổ phần của PGBank. Theo tờ trình mà PGBank gửi đến cổ đông để xin ý kiến thì hai bên sẽ sáp nhập và hoán đổi cổ phiếu nhưng vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức, bộ máy lĩnh vực hoạt động và thương hiệu PGBank.

Được biết, việc PGBank về với Vietinbank là phương án tối ưu, vì “sáp nhập và hoán đổi cổ phiếu nhưng vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức, bộ máy lĩnh vực hoạt động và thương hiệu PGBank để PGBank trở thành đơn vị thành viên trực thuộc Vietinbank, mô hình ngân hàng trong ngân hàng". Dù vậy, mô hình này đang dấy lên nghi ngại việc PG Bank sáp nhập để Petrolimex “né” thoái vốn.

Theo tiết lộ từ bản tin ngày của Công ty chứng khoán Bản Việt, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - HSX: VCB) sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập với một ngân hàng khác trong đại hội cổ đông ngày 23/4 tới. Về phía Vietcombank, nhà băng này chưa công bố danh tính của ngân hàng nào mà mình sẽ “cưới hỏi”.

Trước đó, tại Hội nghị Giám đốc thường niên toàn cầu của Mizuho Bank diễn ra ngày 4/4, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã tiết lộ về ý định mua bán, sáp nhập (M&A) với một tổ chức khác.

Ông Bình cho biết: “Trong giai đoạn này, chúng tôi đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu mọi mặt hoạt động, tiến hành đồng bộ việc chuyển đổi mô thức kinh doanh để hoạt động ngày càng an toàn hơn, hiệu quả hơn, phấn đấu để trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam và có vị thế đáng kể trong khu vực vào năm 2020. Để đạt được những mục tiêu đó, một mặt Vietcombank vẫn chú trọng tăng trưởng và phát triển bền vững, nhưng mặt khác chúng tôi cũng cân nhắc khả năng M&A khi điều kiện cho phép”.

Ngân hàng Quân đội (MBB) mới đây cũng cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch tận dụng các cơ hội để thâu tóm, sáp nhập một ngân hàng…Tuy nhiên, chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được tiết lộ.

Như vậy, có thể thấy rằng, chuyện hợp nhất của những ngân hàng trên là giai đoạn hai của quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Trước đó, quá trình tái cơ cấu đợt một đã diễn ra thành công với những cuộc “hôn nhân” như: 3 ngân hàng SCB - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa hợp thành SCB; SHB và Habubank hợp thành SHB; Western Bank với PVFC thành PVcombank... Một cái tên trong diện phải tái cơ cấu đợt một là GP.Bank thì đang trong quá trình đàm phán với một ngân hàng ngoại. Trong đó, nhiều khả năng ngân hàng ngoại sẽ “mua đứt” GP.Bank.

Xu hướng mua bán, sáp nhập được các ngân hàng công bố trong bối cảnh hiện nay phù hợp với chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó về tái cấu trúc các tổ chức tín dụng đợt hai. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng cho biết, từ quý II/2014, ngành ngân hàng sẽ bắt đầu loạt chương trình tái cấu trúc một số tổ chức tín dụng mới. “Dự kiến trong năm 2014, chúng tôi sẽ xử lý 6 - 7 ngân hàng. Như vậy, sẽ đưa tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép lên khoảng từ 7 - 10 ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Theo thông tin mà phóng viên Dân trí tìm hiểu, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đợt hai mới chỉ “nóng” phần mở đầu. Sẽ còn nhiều điểm bất ngờ trong các cuộc "hôn nhân" của các tổ chức tín dụng, trong đó, việc một số công ty tài chính “tìm” ngân hàng để nương tựa sẽ là điểm nhấn trong xu hướng sáp nhập tới đây.

Nguyễn Hiền

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước