1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sẽ “bùng nổ” chạy đua lãi suất không kỳ hạn?

(Dân trí) - Lãi suất VND có kỳ hạn bị khống chế bởi trần lãi suất 12%/năm. Dưới áp lực về nhu cầu vốn, một số ngân hàng đã nâng mức huy động không kỳ hạn lên tới 10 - 11%/năm khiến thị trường tiền tệ dự báo về một cuộc chạy đua lãi suất mới…

Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn bằng VND từ 3,6%/năm (0,3%/tháng) lên 9%/năm. Với mức lãi suất này, tính ra lãi suất không kỳ hạn của SCB tương đương 70% lãi suất tiền gửi có kỳ hạn.

Theo sau SCB, ngày 14/5, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong chương trình “Tiết kiệm qua đêm 24 giờ”, đã nâng lãi suất lên 10%/năm (0,883%/tháng).

Cũng trong ngày hôm qua, SCB vừa giới thiệu một sản phẩm mới có tên gọi “Đầu tư qua đêm hưởng lãi suất cao”, được áp dụng cho khách hàng là tổ chức và cá nhân gửi tiền theo hình thức tiền gửi không kỳ hạn (tài khoản tiền gửi thanh toán) thông thường bằng tiền VND.

Cùng với lãi suất không kỳ hạn 9%/năm, khách hàng khi sử dụng sản phẩm này của SCB có thể được hưởng mức lãi suất lên tới 11%/năm.

Trao đổi với Dân trí, Tổng Giám đốc SCB Phạm Anh Dũng lý giải việc tăng huy động lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng không phải do thiếu hụt tính thanh khoản.

Hiện số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của SCB gần 2.000 tỉ đồng, trừ đi lượng dự trữ bắt buộc 800 tỉ đồng, ngân hàng vẫn còn lượng tiền khá lớn để ổn định nguồn vốn.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, lãi suất liên ngân hàng (NH) đã lên tới trên 20%, lãi suất điều hành thông qua thị trường mở cũng ở mức 12%/tuần, song phải có số lượng trái phiếu Chính phủ lớn mới được vay.

"Tính ra, mức lãi suất huy động vốn từ dân cư của chúng tôi hiện nay vẫn còn rẻ chán so với vay vốn ở thị trường qua đêm, thị trường mở” - ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm, lãi suất huy động vốn kỳ hạn của các ngân hàng “ngoại” như Citibank, HSBC, ANZ đã lên tới 12%/năm. “Với mức tăng lãi suất hiện nay, tôi tự tin để nói chỉ có ACB và Eximbank có thể “đối chọi” với các ngân hàng nước ngoài”, Tổng Giám đốc SCB nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho biết, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn VND không kỳ hạn là hoàn toàn bình thường trong trong bối cảnh lạm phát hiện nay vì lãi suất tiền gửi đang thực âm.

Một chuyên gia tài chính khác cho hay: “Đây là một cách cạnh tranh giữa các ngân hàng, không vi phạm các quy định về trần lãi suất nhưng ngân hàng phải đội chi phí lên cao, trong khi đối mặt với rủi ro lớn vì tính thanh khoản chỉ có thể đảm bảo ngắn hạn”.

Còn thực tế đã cho thấy, khi một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn VND có kỳ hạn, chỉ sau đó ít ngày, hàng loạt ngân hàng đã chạy đua tăng theo. Tuy nhiên, có “bùng nổ” một đợt chạy đua lãi suất không kỳ hạn trên thị trường tiền tệ thời gian này hay không, chúng ta còn phải chờ…?

Nguyễn Hiền