SCIC tung tiền "cứu” thị trường

(Dân trí) - Sáng nay 5/3, ngay sau khi nhận được 19 giải pháp về kiềm chế lạm phát của của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính đã giao cho UBCK phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để lên kế hoạch mua ngay cổ phiếu trên thị trường.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo sáng nay về các biện pháp “giải cứu” thị trường chứng khoán.

Hiện tại, UBCK đã chốt được các cổ phiếu mà SCIC sẽ mua hay chưa? Tiêu chí chọn lựa mua cổ phiếu là gì, thưa ông?

Danh mục các cổ phiếu hiện nay đang giao cho các chuyên viên và sẽ chốt trong chiều 5/3. Theo tôi ít nhất phải có hai tiêu chí, là: cổ phiếu của công ty lớn có uy tín và cổ phiếu đó phải có tính thanh khoản khá tốt. Còn tiêu chí cụ thể hiện đang được xây dựng.

Còn mua bao nhiêu, loại cổ phiếu nào thì kế hoạch cụ thể hiện đang khẩn trương để lên được danh mục cổ phiếu cũng như kế hoạch mua vào.

Ngoài việc kích cầu thị trường thông qua việc mua vào cổ phiếu của SCIC, liệu chúng ta có thể trông chờ vào sức cầu của tổ chức nào nữa không?

Theo con số thống kê của UBCK, tiền mặt trên tài khoản của các quỹ đầu tư Việt Nam khoảng 5.000 tỷ đồng. Số tiền này cũng khá lớn. Hiện nay có một số quỹ cũng đang xin đăng ký để huy động vốn. Tôi cho rằng ngoài các quỹ này thì lực lượng đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài cũng vẫn là khá lớn.

Trên thị trường hiện nay, một trong những điều mà nhà đầu tư trông chờ là việc mở room cho các ngân hàng từ 30% lên 35%. Ông có thể cho biết tính khả thi như thế nào?

Room này có một số khuyến nghị, đặc biệt là từ các hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán có đề xuất giải pháp này. Tôi được biết Ngân hàng nhà nước sẽ có trách nhiệm nghiên cứu và có kiến nghị chính thức.

Ngân hàng là ngành hết sức nhạy cảm, quản lý tiền tệ, nắm đồng vốn, đồng tiền. Điều này sẽ do chính Ngân hàng Nhà nước trả lời.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của mỗi nền kinh tế. Ở Việt Nam, thị trường này đã phản ánh đúng chức năng của nó hay chưa, thưa ông?

Thị trường chứng khoán, thực chất nó là một thị trường bậc cao và hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Ngoài việc huy động vốn trung và dài hạn, chỉ số chứng khoán trên hai sàn TPHCM và Hà Nội chính là hàn thử biểu của nền kinh tế. Nó phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế mạnh hay yếu; tuy nhiên, cho đến nay, nó chưa làm được chức năng này một cách đầy đủ.

Bởi vì, các cổ phiếu trên sàn chưa đủ đại diện cho nền kinh tế nước ta. Chính vì thế, chúng ta hãy chờ một thời gian nữa, khi số lượng công ty niêm yết với những tổng công ty, những tập đoàn kinh tế mạnh có cổ phiếu lên niêm yết thì nó sẽ đại diện được cho nền kinh tế này.

Chính phủ cũng nhận thức đây là thị trường hết sức quan trọng. Nếu nền kinh tế ốm yếu sẽ phản ảnh qua chỉ số ốm yếu. Chính vì vậy đây là thị trường phản ánh toàn bộ chính sách vĩ mô của Nhà nước đúng hay không đúng.

Tôi xin nói thêm rằng, dưới con mắt đánh giá của các nhà phân tích kinh tế nước ngoài, người ta nhìn nhận thị trường Việt Nam vẫn hết sức tốt. Qua những phiên giao dịch vừa rồi, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào gấp 10 lần bán ra và đến ngày hôm qua, chiếm 30% doanh số của thị trường.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước có sự hoảng loạn. Theo tôi cần thiết phải có phân tích hết sức nghiêm túc.

- Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền