1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

SCIC: Gửi gần 1 tỷ USD vốn nhà nước vào ngân hàng lấy lãi

(Dân trí) - Mặc dù nhiệm vụ chính là kinh doanh bán vốn, song phần này chỉ chiếm vỏn vẹn 4% trong tổng doanh thu năm 2012 của SCIC. Thay vào đó, với việc gửi hàng nghìn tỷ đồng tại ngân hàng, khoản thu từ lãi mang lại 40% doanh thu bên cạnh thu từ cổ tức.

Thu nhập chủ yếu từ lãi ngân hàng và nhận cổ tức,

Thu nhập chủ yếu từ lãi ngân hàng và nhận cổ tức

Báo cáo của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây cho thấy, năm 2012 vừa rồi, trong tổng số 3.888 tỷ đồng doanh thu mà Tổng công ty này đạt được thì đa số là doanh thu cổ tức. Phần thu từ cổ tức lên tới 55%, đạt 2.151 tỷ đồng, vượt kế hoạch. 

Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, sự ra đời của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. SCIC là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc thị trường.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2006, SCIC quản lý danh mục đầu tư gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin…

SCIC lý giải nguyên nhân khiến khoản này đạt vượt mức so với kế hoạch là nhờ có một số doanh nghiệp không kế hoạch chia cổ tức hoặc chia tỷ lệ thấp nhưng thực tế lại  chia tỷ lệ cao. Chẳng hạn, CTCP Germadept vốn không có kế hoạch chia cổ tức song thực tế SCIC lại thu được 6 tỷ đồng. CTCP Bảo hiểm Bảo Minh đặt kế hoạch chia cổ tức 19 tỷ đồng nhưng sau đó lại chia 45 tỷ, tăng 26 tỷ đồng so với dự kiến. Hay lại CTCP Viễn thông FPT, SCIC cũng thu được 175 tỷ đồng.

Báo cáo cũng lưu ý, so với các nguồn doanh thu khác, doanh thu tài chính chiếm tỷ trọng 40% trong tổng doanh thu 2012. Tuy nhiên, nguồn này lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng, giữa bối cảnh trong năm vừa qua, lãi suất ngân hàng giảm mạnh từ 14% xuống còn 8% nên đã tác động mạnh, làm giảm còn 1.568 tỷ đồng. Ước tính, phần vốn mà SCIC đã gửi tại các ngân hàng vào khoảng 19.600 tỷ đồng (trong trường hợp lãi suất 8%).

Doanh thu bán vốn chỉ đạt 1/4 kế hoạch

Trong khi đó, mặc dù có nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH nhà nước, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập, song doanh thu bán vốn chỉ chiếm tỷ trọng 4% tổng doanh thu với giá trị 170 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch và bằng 45% so năm trước.

Đề cập cụ thể về công tác bán vốn của SCIC, Tổng công ty này cho hay, năm 2012 đã bán vốn thành công tại 37 doanh nghiệp, thu về 321,5 tỷ đồng trên giá trị mệnh giá 151,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,1 lần. Tuy nhiên, so với kế hoạch, doanh thu bán vốn cả năm chỉ ghi nhận 169,7 tỷ đồng, bằng 25% về giá trị và 14,12% về số lượng. Ban đầu, mục tiêu số doanh nghiệp được bán vốn lên tới 262 đơn vị.

Kết quả bán vốn năm 2012 đạt thấp được lý giải do năm 2012 là năm lực cầu trên thị trường chứng khoán giảm mạnh, tính thanh khoản kém gây khó khăn lớn cho việc bán các doanh nghiệp niêm yết trên sàn nói riêng và công bác bán vốn nói chung của SCIC.

Hơn nữa, công ty cũng "trần tình", danh mục bán vốn của SCIC gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, tình hình phức tạp nên đã làm một số doanh nghiệp bán vốn nhiều làn không thành công. Trong số này còn kể đến cơ chế định giá đất đã đẩy giá trị một số doanh nghiệp lên cao hơn nhiều so với mức giá mà thị trường có thể chấp nhận.

Lại có một số doanh nghiệp thuộc danh sách bán vốn nhưng xảy ra kiện tụng, tồn tại về mặt tài chính (công nợ) cần xử lý dứt điểm trước khi bán. Một số doanh nghiệp có kế hoạch bán nhưng địa phương lại đề xuất giữ lại. Nhiều doanh nghiệp trong danh mục bán vốn có tỷ lệ sở hữu vốn của SCIC thấp hoặc kinh doanh không hiệu quả nên thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, có những vướng mắc từ phía công ty chứng khoán hoặc công ty thẩm định giá cần giải quyết.

Tăng vốn tại Vinaconex chiếm 86% đầu tư
Gần 1 tỷ USD vốn nhà nước nếu được đầu tư vào sản xuất kinh doanh sẽ hiệu quả hơn là để SCIC gửi ngân hàng lấy lãi?

Tăng vốn tại Vinaconex chiếm 86% đầu tư

Tại hoạt động đầu tư, năm 2012, SCIC thực hiện đầu tư 1.257 tỷ đồng, trong đó khoản đầu tư hiện hữu đạt 1.183 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch. Đáng lưu ý, riêng phần tăng vốn tại Vinaconex đã lên tới 1.021 tỷ đồng, chiếm tới 86,3% phần đầu tư hiện hữu.

Tổng công ty cũng góp vốn thành lập CTCP Cảng Vũng Áng Việt - Lào số tiền 63,5 tỷ đồng, chỉ đạt 0,5% kế hoạch; đầu tư mua trụ sở của Chi nhánh phía nam kết hợp khai thác kinh doanh Tòa nhà của Petro Land gần 130 tỷ đồng.

Giải trình về việc không đạt kế hoạch đầu tư dự án, SCIC cho rằng chủ yếu do một số dự án đang đợi phê duyệt của cấp có thẩm quyền, một số do bối cảnh kinh tế biến động nên tạm dừng triển khai, một số dự án khác vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư...

Tại thời điểm 31/12/2012, số lao động thực tế của SCIC là 226 người, sau khi đã tuyển dụng mới 45 cán bộ, giảm 14 cán bộ. Tổng công ty cho biết, năm vừa rồi đã cử gần 200 cán bộ, chuyên viên tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước, cử 43 lượt cán bộ tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn, hội nghị, hội thảo ở nước ngoài và cử 2 cán bộ tham giá đào tạo dài hạn nước ngoài.

Trong năm 2013, SCIC kỳ vọng tăng 8,9% doanh thu so với năm ngoái lên 3.498 tỷ đồng. Trong đó, phần chủ yếu sẽ là doanh thu bán vốn (đang chiếm tỉ lệ ít ỏi hiện nay), dự kiến tăng 266,7% khi cơ chế định giá đất được tháo gỡ và sự khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán. Các khoản từ cổ tức sẽ giảm 15,2% và từ tài chính cũng giảm 23,5%. Kế hoạch đầu tư dự kiến ở mức 4.350 tỷ.

Bích Diệp