SCIC bán vốn loạt doanh nghiệp
(Dân trí) - Trong tháng cuối năm, SCIC dự kiến thoái vốn tại một số doanh nghiệp, trong đó việc bán vốn tại Tổng Công ty Thăng Long có thể giúp SCIC thu về hơn 220 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 12, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thông báo bán đấu giá cổ phần sở hữu tại một số doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 23/12, SCIC sẽ bán đấu giá 56.868 cổ phần tại Công ty cổ phần Mía đường Thanh Hóa, tương đương 28,43% vốn điều lệ. Giá khởi điểm hơn 20,8 tỷ đồng/lô, tương đương hơn 366.000 đồng một cổ phần.
Trước đó, vào cuối năm 2016 và hồi tháng 8/2017, SCIC cũng đã chào bán nhưng bất thành do giá khởi điểm cao lên tới 632.000 đồng/cổ phần, kèm theo yêu cầu nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số lượng cổ phần chào bán.
Ngoài Mía đường Thanh Hóa, SCIC cũng thông báo đấu giá bán cổ phần Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (mã cổ phiếu: TTL). Theo đó, SCIC dự kiến thoái toàn bộ hơn 25% vốn tại doanh nghiệp này, tương ứng khối lượng đấu giá là 10,5 triệu cổ phần.
Giá khởi điểm của cả lô hơn 222,6 tỷ đồng, tương đương hơn 21.200 đồng/cổ phần. Mức giá này cao gấp 1,42 lần thị giá cổ phiếu TTL đóng cửa phiên 13/12. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức ngày 26/12 tại trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Bên cạnh đó, ngày 27/12, SCIC cũng bán đấu giá 235.053 cổ phần nắm giữ tại Công ty cổ phần Dược Khoa (DK Pharma), tương đương hơn 3% vốn điều lệ. Giá khởi điểm hơn 4,6 tỷ đồng/lô, tương đương khoảng 19.700 đồng/cổ phần.
Đồng thời, SCIC cũng thông báo giá bán cổ phần Công ty cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) trong tháng này. Khối lượng đấu giá hơn 2,7 triệu cổ phần, tương đương 34,31% vốn điều lệ. Giá khởi điểm của cả lô là 122,82 tỷ đồng.
SCIC là doanh nghiệp tiếp nhận và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đồng thời sắp xếp cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán quý II của SCIC, trong 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu 3.947 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và đạt lợi nhuận sau thuế 5.926 tỷ đồng, tăng hơn 95%. Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của SCIC đạt 62.310 tỷ đồng, giảm 0,7% so với hồi đầu năm.
Tại một hội nghị hồi tháng 11, ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết trong 18 năm thành lập và hoạt động, SCIC đã tiếp nhận 1.081 doanh nghiệp với tổng vốn hơn 32.344 tỷ đồng; bán thành công tại 1.059 doanh nghiệp, tổng giá trị thu về 51.849 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn.