Savico "tự thưởng" trên 130 tỉ bằng cổ phiếu ưu đãi

Ưu đãi cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) là một trong những cách làm hiệu quả để gắn kết người lao động với công ty cổ phần. Tuy nhiên cách làm của Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico - mã SVC) lại khiến nhiều nhà đầu tư phản ứng, vì sao?

Cổ đông mất hơn 130 tỉ đồng thặng dư

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính là do phương án phát hành 96 tỉ đồng CP mới của Savico đưa ra tại đại hội cổ đông bất thường của Savico ngày 10/3 tập trung quá nhiều ưu đãi cho CBCNV, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo.

Theo đó, Savico sẽ dành khoảng 4,8 tỉ đồng CP phát hành cho các cán bộ lãnh đạo, 4,8 tỉ  đồng CP dành cho CBCNV, giá bán cùng là 30.000 đồng/CP trong khi giá thị trường cùng thời điểm ở mức 170.000 đồng/CP.

Ngoài số CP phát hành cho các cán bộ chủ chốt, CBCNV, Savico còn phát hành 4,81 tỉ đồng mệnh giá CP cho Quỹ phát triển nguồn nhân lực với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP). Tổng số cổ phần mà Savico phát hành với các phương án nói trên lên tới gần 15 tỉ đồng mệnh giá, chiếm gần 10% vốn điều lệ trước khi phát hành và chiếm khoảng 5,78% vốn điều lệ mới.

Một cổ đông của Savico bức xúc: "Phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá phát hành cho nội bộ Savico lên tới trên 130 tỉ đồng trong khi đó, lợi nhuận cả năm 2006 của Savico chỉ là 38,5 tỉ đồng".

Cổ đông này nhận xét: "Tổng số lợi nhuận mà Savico làm ra năm 2006 chưa bằng 1/3 số thặng dư chênh lệnh về ưu đãi CP mà nội bộ Savico được hưởng. Thử hỏi những cổ đông bên ngoài như tôi có cảm thấy công bằng hay không?

Tôi chấp nhận mua SVC với giá cao vì đó là một công ty tốt và kỳ vọng về lợi ích từ các đợt phát hành CP mới mà Savico đem lại cho cổ đông. Nhưng phương án phát hành mới của Savico đã làm tôi thất vọng".

Được bán ngay 50% CP ưu đãi

Theo nhiều cổ đông khác của Savico, thêm một vấn đề nữa là nếu như phát hành CP cho các CBCNV để giữ chân họ, khiến họ gắn bó với công ty thì phải hạn chế việc chuyển nhượng (chỉ cho phép chuyển nhượng sau một thời gian nhất định như 2 hay 3 năm).

Tuy nhiên, phương án phát hành cho CBCNV, thậm chí cả đối với các vị trí cực kỳ then chốt như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc đều cho phép người mua được bán ngay lập tức 50%, 50% còn lại được phép bán sau 1 năm.

Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán nước ngoài tại Hà Nội nhận xét: "Khi không hạn chế nhiều về điều kiện chuyển nhượng thì đó là một hình thức thưởng cho nhân viên với số tiền rất lớn nhưng núp bóng hình thức phát hành CP ưu đãi.

Việc thưởng CP theo kiểu như thế này không phải là biện pháp gắn kết người lao động đối với công ty vì họ có quyền bán CP bất cứ lúc nào để thu tiền và có thể chuyển tới bất cứ nơi đâu họ muốn".

Tại Savico, cổ đông nhà nước và các cổ đông là cán bộ của Savico cộng lại sở hữu khoảng 50% trên tổng vốn điều lệ. Khi đại hội cổ đông bất thường, do có khá nhiều cổ đông bên ngoài không có mặt nên các cổ đông nội bộ Savico chiếm tỷ lệ áp đảo.

Đây cũng chính là lý do mà phương án phát hành với những ưu đãi cực lớn cho các nhân viên làm việc tại Savico đặc biệt là HĐQT và Ban điều hành dễ dàng được thông qua. Ngay sau đó, nhiều cổ đông nhỏ (cả người tham dự và không tham dự) đã có khiếu nại với HĐQT của Savico về phương án phát hành này.

Một lãnh đạo cấp cao của một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội bình luận: "Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong nhiều công ty đang được sử dụng như một "lá bùa" để chống lại các nhà đầu tư vì chính những người điều hành, HĐQT - những người được hưởng lợi lớn từ phương án phát hành - cũng là người có quyền giơ phiếu biểu quyết cho phần vốn góp của Nhà nước tại đại hội cổ đông. Nếu họ bỏ phiếu cho quyền lợi của chính mình thì ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra".

Theo Hoàng Ly
Báo Thanh niên