ACV lại lộ hàng loạt sai phạm trong đầu tư

(Dân trí) - Từ 2012-2016, ACV đã đầu tư 85 dự án với tổng mức đầu tư là hơn 42.140 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại nhiều dự án thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra hàng loạt các bất cập, tồn tại như tính sai đơn giá, thiết bị lắp đặt không đúng với hồ sơ thiết kế nhưng vẫn được nghiệm thu…

Qua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập, tồn tại.
Qua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập, tồn tại.

Duyệt đầu tư khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý

Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.

Theo ACV báo cáo, giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, tổng công ty này đã đầu tư xây dựng 85 dự án (có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng) với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.140 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn NSNN là 1.420,9 tỷ đồng; vốn TPCP là 4.221,7 tỷ đồng; vốn ODA là 12.443,13 tỷ đồng; vốn ACV là 24.074,7 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập, tồn tại.

Cụ thể, theo số liệu đơn vị báo cáo giai đoạn 2011 – 2016, kế hoạch vốn chưa sát với thực tế nên có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; cũng có dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch.

Riêng dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 – cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt.

Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, ACV cũng để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Cụ thể, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt một số dự còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện… như tại dự án đường vào cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Mặc dù lập dự án đầu tư theo quy hoạch, tuy nhiên quy hoạch còn hạn chế nên một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường CHC, đường lăn và sân đậu cảng hàng không Pleiku.

Thậm chí, một số dự án ACV phê duyệt đầu tư khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về hồ sơ về báo cáo đánh giá tác động môi trường, ý kiến thoả thuận của các cơ quan như PCCC, cấp điện, cấp thoát nước, cảng vụ… như dự án mở rộng nhà ga Phú Quốc, dự án nhà ga hành khách cảng hàng không Vinh…

Hồ sơ tiêu chuẩn Anh, Mỹ nhưng thực tế là tiêu chuẩn Việt Nam

Đáng lưu ý, tại một số dự án, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chưa cao, chưa sát với thực tế nên trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế, bổ sung hạng mục, khối lượng phát sinh, thay đổi vật liệu, điều chỉnh đơn giá, thiết bị… cho phù hợp với thực tế.

Thiết kế kỹ thuật thiếu chi tiết gây khó khăn cho việc kiểm soát khối lượng, chất lượng; thiết kết kỹ thuật thay đổi so với thiết kế cơ sở nhưng chưa tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở theo quy định.

Cùng với đó là việc tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng. Ở Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường HHC 25R – cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 12 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Đối với tiêu chuẩn áp dụng (thép và bê tông), kết luận thanh tra cho thấy, trong quá trình thi công nghiệm thu chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam (Dự án mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc, Vinh…) để phù hợp với điều kiện thi công xây lắp tại Việt Nam trong khi hồ sơ mời thầu theo chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn Anh, Mỹ là chưa phù hợp.

Về công tác đấu thâu: Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu, tuy nhiên, có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia chẳng hạn như gói 4, 5, 5a Dự án nhà ga hành khách Phú Quốc hoặc có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nhưng chỉ có 1 nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật như ở gói 5b Phú Quốc, gói 6, 6B, 6C Dự án nhà ga hành khách Vinh. Để giải quyết tình huống trong đấu thầu, chủ đầu tư có văn bản xử lý cho phép mở thầu. Với tình huống này chưa có sự cạnh tranh về giá.

Mặc dù ACV đã thuê đơn vị tư giám sát nhưng chất lượng công tác giám sát về chất lượng, khối lượng chưa cao. Một số công tác chưa tuân thủ theo quy định phải nghiệm thu theo quy trình để kiểm soát khối lượng, chất lượng.

Một số công tác, thiết bị lắp đặt thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế hoặc điều kiện hợp đồng, yêu cầu kỹ thuật của dự án nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán, nghiệm thu còn trùng lắp, không đúng khối lượng; nhật ký giám sát chưa ghi chép đầy đủ theo quy định.

Quản lý vật liệu đầu vào cũng còn một số tồn tại. Một số dự án còn chậm tiến độ thi công. Có 49 dự án quyết toán chậm tiến độ.

Ngoài ra kết luận cũng nêu rõ, công tác quy hoạch các cảng hàng không do ACV quản lý chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hoá dẫn đến một số cảng bị quá tải, một số cảng chưa đạt công suất, các nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế khai thác, dẫn đến phải điều chỉnh cục một số cảng, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

ACV vừa "đá bóng" vừa "thổi còi"

Theo kết luận của Bộ GTVT, ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ, vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn nhà nước. Vì vậy, với các dự án ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Về xử lý trách nhiệm, trên cơ sở đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan ACV tiến hành rà soát, đánh giá những tồn tại để khắc phục khi thực hiện các dự án tiếp theo.

Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm trong công tác quy hoạch. ACV chịu trách toàn diện trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án.

Đối với các nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu rà soát và khẩn trương khắc phục những tồn tại nêu trong kết luận. Rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ chất lượng công trình, khối lượng thi công, đơn giá gói thầu để thanh, quyết toán theo quy định hiện hành.

Về xử lý kinh tế, Bộ GTVT yêu cầu ACV thực hiện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý tổng số tiền về kinh tế là hơn 117 tỷ đồng.

Vừa qua, ACV cũng đang phải đối mặt với những thông tin đầy bất lợi về việc ông Lê Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ACV trước khi về hưu theo chế độ (dự kiến vào giữa tháng này) ký 104 quyết định bổ nhiệm nhân sự, trong đó riêng ngày 19/6 đã ký tới 76 quyết định (hiệu lực từ 1/7).

Ngay sau tiếp nhận phản ánh, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn thành tra để kiểm tra việc bổ nhiệm này của ACV. Trong khi đó, ACV lý giải rằng, việc bổ nhiệm cùng một lúc này đều căn cứ vào nhu cầu quản lý, điều hành và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch cán bộ giai đoạn năm 2016-2021.

Nguyễn Khánh

ACV lại lộ hàng loạt sai phạm trong đầu tư - 2