Sau tin thanh tra toàn thị trường, giá vàng ra sao?
(Dân trí) - Hiện giá vàng miếng SJC lấy lại mốc trên 90 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra sau một tuần trồi sụt. Vàng nhẫn ít biến động hơn nhưng giá vẫn ở vùng gần 77 triệu đồng/lượng.
Mở phiên ngày 18/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 87,7-90,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 400.000 đồng ở chiều bán ra so với kết phiên hôm qua. Chênh lệch giữa chiều mua và bán tăng lên 2,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn vẫn ở quanh vùng giá 75,25-76,85 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi so với giá kết phiên hôm qua.
Trong các phiên giao dịch tuần qua (13/5-17/5), giá vàng miếng SJC được điều chỉnh trong biên độ hẹp hơn so với tuần trước đó. Giá bán ra cao nhất có thời điểm chạm mốc 90,5 triệu đồng/lượng, thấp nhất ghi nhận tại 88,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi ở tuần liền trước đó, giá vàng miếng tại một số phiên giao dịch tăng vùn vụt, biến động 3-4 triệu đồng trong một ngày. Kỷ lục vàng miếng ghi nhận tại ngày 10/5 tại vùng giá 92,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn vẫn ổn định quanh vùng giá 75,25-76,85 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 150.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng ở chiều bán ra.
Trên thế giới, giá vàng đạt 2.413 USD/ounce, tăng 35 USD so với trước đó. Trong phiên hôm qua (17/5), có thời điểm giá vàng thế giới tiến sát 2.422 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng trong nước đắt hơn thế giới 16,5-18 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn chênh 3-4 triệu đồng, tùy thời điểm.
Ngân hàng Nhà nước mới đây vừa ban hành Quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.
Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5 và 23/5. Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng. Khối lượng vàng đấu thầu vẫn ở mức 16.800 lượng như các phiên trước.
Từ 19/4, nhà điều hành tiền tệ đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương 1,02 tấn).
Giá vàng thế giới tiếp đà tăng trong phiên giao dịch cuối của tuần này, ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Chuyên gia phân tích thị trường Frank Watson của Kinesis Money cho rằng, các dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát có thể đang "hạ nhiệt", làm tăng triển vọng Fed sẽ sớm tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới, điều này có xu hướng hỗ trợ giá vàng.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia đến từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự báo, giá kim loại quý này sẽ tiếp tục tăng nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi.
WGC kỳ vọng vàng năm 2024 sẽ tăng 8% so với năm trước, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng.
Tỷ giá trung tâm giảm mạnh
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 104,4 điểm, giảm 1,72% so với một tháng trước đó nhưng tăng hơn 3% từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.239 đồng, không thay đổi so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.027-25.451 đồng. Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.220-25.450 đồng. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.219-25.450 đồng.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.750-25.820 đồng/USD (mua - bán), không thay đổi so với hôm qua, nhưng tăng 80 đồng ở chiều mua vào và tăng 70 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước đó.