1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sau tiết lộ “sốc”, Bộ Tài chính “trấn an” về tình hình ngân sách

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khi đánh giá về tình hình nợ công cho hay, hiện nợ công vẫn ở mức cao nhưng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn và ngân sách vẫn đảm bảo chi cho đầu tư phát triển.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Ngân sách vẫn đủ tiền

Trao đổi tại buổi họp báo chuyên đề diễn ra sáng nay (26/10), Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, theo dự toán ngân sách hiện nay, nếu tính đủ cả ODA năm 2016 thì vào khoảng 63,2%.

“Nợ công tuy ở mức cao nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn. Trong báo cáo kế hoạch cho 5 năm tới, chúng tôi luôn xây dựng và chấp hành nguyên tắc nợ công không vượt quá 65%. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, ngưỡng an toàn này chỉ được đảm bảo khi quốc gia đó tăng trưởng 3% trở lên và bội chi dưới 5%”, ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, “rút kinh nghiệm” các năm trước, trong năm 2016, dự toán chi tiêu ngân sách đối với chi đầu tư từ vốn ODA sẽ tăng lên 50 nghìn tỷ đồng, tăng 30 nghìn tỷ đồng so với năm nay. Do đó, vốn chi đầu tư phát triển cho năm 2016 vẫn đảm bảo nhờ tăng thêm 60 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2015.

“Năm 2014, khi xây dựng dự toán ngân sách biết sẽ phải chi đầu tư từ nguồn ODA là 36 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ dự toán chi 16 nghìn tỷ. Do đó, khi thực hiện xong rồi thì lại xin Quốc hội, Quốc hội phải chấp nhận, 20 nghìn tỷ dôi ra đó thành bội chi. Năm nay cũng vậy, dự kiến chi hết 50 nghìn tỷ nhưng chỉ dự toán 20 nghìn tỷ. 30 nghìn tỷ thiếu sẽ thành bội chi ngân sách, làm sao mà nợ công tốt được”, ông Tuấn nói.

Nói về thông tin gây “sốc” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư tại phiên họp Quốc hội mới đây cho biết, số thực để phân bổ vỏn vẹn chỉ còn 45 nghìn tỷ đồng, ông Tuấn cho hay: “Có ý kiến khác nhau cho rằng sau khi trừ ODA, trừ phần thu thuế đất thì phần chia cho các dự án thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, tiền ODA cũng vẫn là ngân sách, vẫn đảm bảo đầu tư phát triển”.

Thu ngân sách sẽ tăng so với dự toán

Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, năm nay thu ngân sách dự kiến sẽ tăng khoản 14,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, trong đó ngân sách trung ương hụt thu hơn 31 nghìn tỷ đồng và ngân sách địa phương tăng thu thêm 43 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách địa phương tăng thu do năm nay kinh tế tăng trưởng khá, dự kiến đạt mức 6,5%, cao hơn so với con số 6% của năm ngoái. Tuy nhiên, ngân sách trung ương giảm thu do giá dầu thô giảm mạnh, chỉ còn khoảng 54 USD/thùng, bằng một nửa so với dự toán 100 USD/thùng.

“Ngân sách trung ương hụt thu 31 nghìn tỷ đồng, do đó, vừa rồi khi Chính phủ trình Quốc hội đã kiến nghị dùng 10 nghìn tỷ đồng trong phần đã thu về từ thoái vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước để bù. Nhưng đồng thời vẫn chỉ đạo làm sao đảm bảo cân đối ngân sách để sử dụng càng ít trong số 10 nghìn tỷ đồng này càng tốt”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, có đủ căn cứ và cơ sở thực tiễn để đảm bảo cân đối ngân sách để thực hiện chỉ đạo trên. Hiện nợ đọng doanh nghiệp lên tới 36 nghìn tỷ đồng, trong đó chỉ cần phấn đấu thu 50% đã có 17 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Bên cạnh đó, còn có thêm khoản 8 nghìn tỷ đồng có thể thu từ thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.

“Còn có một số doanh nghiệp lớn ý thức chấp hành chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thành lập 5 cơ quan chuyển giá để tập trung đấu tranh, chống thất thu ngân sách”, ông nói thêm.

Phương Dung

Sau tiết lộ “sốc”, Bộ Tài chính “trấn an” về tình hình ngân sách - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm