1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sau thương vụ "khủng", cổ phiếu nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng kéo VN-Index

Mai Chi

(Dân trí) - Phiên giao dịch cuối cùng của quý III diễn ra tương đối thuận lợi dù thanh khoản rất thấp, một phần nhờ lực kéo tại VIC và VRE.

VIC và VRE kéo thị trường

Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm tích cực trong phiên giao dịch hôm nay (30/9). VN-Index bật tăng mạnh ngay từ những phút giao dịch đầu tiên, tuy nhiên, đến ngưỡng 1.350 điểm thì chỉ số chính đành phải thoái lui.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,85 điểm tương ứng 0,21% lên 1.342,06 điểm; VN30-Index tăng 3,24 điểm tương ứng 0,22% lên 1.453,76 điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 3,03 điểm tương ứng 0,86% lên 357,33 điểm. UPCoM-Index tăng 0,63 điểm tương ứng 0,65% lên 96,56 điểm.

Sau thương vụ khủng, cổ phiếu nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng kéo VN-Index - 1

Đóng góp của các mã chứng khoán tới VN-Index (Ảnh chụp màn hình MBS).

"Công thần" của VN-Index hôm nay chính là cổ phiếu VIC của Vingroup. Mã này tăng 1,5% lên 88.000 đồng và trở thành mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số, đóng góp cho VN-Index tới 1,32 điểm. VRE cũng tăng 2,8% lên 29.100 đồng đóng góp cho chỉ số chính gần 0,5 điểm. Trong khi đó, VCB, GAS, HPG, BID, VPB giảm giá và phần nào ảnh hưởng kém tích cực tới VN-Index.

VIC và VRE tăng giá mạnh sau thông tin Vinpearl đã chào bán thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Vingroup (VIC).

Theo các tổ chức đồng tư vấn và phát hành, gồm Credit Suisse, HSBC và BNP Paribas, đây là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới và ghi nhận lượng đăng ký từ nhà đầu tư gần gấp đôi quy mô trái phiếu phát hành. Trái phiếu đáo hạn vào năm 2026, lãi suất 3,25%/năm.

Trước đó vào hồi tháng 4, Vingroup cũng đã chào bán thành công 500 triệu USD trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu Vinhomes.

Cổ phiếu dầu khí, phân bón hút dòng tiền

Thanh khoản thị trường thấp phản ánh sự thận trọng của giới đầu tư khi VN-Index tiến gần tới vùng cản mạnh về kỹ thuật là 1.350-1.355 điểm, song đồng thời cũng cho thấy áp lực bán đã không còn mạnh. Bằng chứng là dù có những nhịp điều chỉnh trong phiên song chỉ số vẫn duy trì trên ngưỡng tham chiếu.

Trên toàn thị trường ghi nhận có tới 607 mã tăng giá, 55 mã tăng trần, gấp đôi so với số lượng mã giảm là 308 mã, 10 mã giảm sàn.

Trong phiên, thanh khoản sàn HSX đạt 15.185,9 tỷ đồng với 476,91 triệu cổ phiếu được giao dịch. HNX có 90,73 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.913,74 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 60 triệu cổ phiếu tương ứng xấp xỉ 1.200 tỷ đồng.

Sau thương vụ khủng, cổ phiếu nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng kéo VN-Index - 2

Thanh khoản trên sàn HSX xuống rất thấp (Ảnh chụp màn hình MBS).

Với một phiên giao dịch chốt danh mục đầu tư (NAV) của các quỹ trên thị trường song thị trường giữ nhịp khá ổn định. Một số mã bị điều chỉnh và bị khối nhà đầu tư ngoại bán ròng là VCB giảm 1,3%; BID giảm 1,1%; HPG giảm 0,8%. HPG bị bán ròng tới 343.600 cổ phiếu.

Những mã tăng giá tích cực nhất trong rổ VN30 cũng là những cổ phiếu được khối ngoại chú ý: PNJ tăng 5,8%; VRE, VIC; SSI tăng 1,4%; MSN tăng 1,1%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu penny cũng đã hồi phục trở lại sau chuỗi ngày bị bán chốt lời vừa qua. VNSML-Index tăng 17,18 điểm tương ứng 1,06% - biên độ tăng cao hơn mặt bằng chung của thị trường.

BTP, HVX, EVG tăng trần; DTA tăng 6,2%; DXV tăng 5,7%; TAC tăng 5,2%. Dòng phân bón tiếp tục gây "sốt", DCM tăng trần, dư mua trần và không có dư bán; DGC tăng 5,5%; DPM tăng 3,8%.

Cổ phiếu ngành dầu khí có diễn biến tích cực sau khi có khởi đầu không thuận lợi đầu phiên. Áp lực bán giảm và lực cầu tăng đã giúp nhiều mã trong ngành này tăng giá như PPS tăng 5,6%; POS tăng 2,7%; PVD tăng 2,7%; PTL tăng 2,3%; PVB tăng 1,9%; PVS tăng 1,4%; PVP tăng 1,1%; BSR tăng 1%.

Đáng chú ý, ở phiên này, dòng cổ phiếu "họ" Louis có cú đảo chiều ngoạn mục và gần như đồng loạt. Ngoại trừ TGG giảm 2,7% lùi về 50.800 đồng, AGM tăng 2,5% thì APG, BII, DDV, SMT, TDH đều tăng kịch trần, hầu hết không có dư bán, dư mua giá trần khá lớn.