Sau thỏa thuận "đình chiến thương mại", Trung Quốc có chơi đẹp đến cùng?
(Dân trí) - Sau thỏa thuận đình chiến thương mại, Trung Quốc có quyết tâm thực hiện lời hứa đẩy mạnh cải cách thị trường?
Bắc Kinh và Washington có thể đã đạt được thỏa thuận giữ nguyên mức thuế 10% lên hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và sẽ không tăng lên 25% ở thời điểm này nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức lớn hơn để thực hiện những lời hứa thay đổi chính sách kinh tế của mình.
Các nhà phân tích của cả hai nước cho biết, thỏa thuận tạm hoãn việc tăng thuế của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến Bắc Kinh có thêm thời gian để giải quyết một số mối quan tâm lớn nhất của Washington, bao gồm về bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường. Nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẵn sàng thực hiện quyết liệt đến đâu.
Cụ thể, đổi lại quyết định tạm hoãn áp thuế của Tổng thống Trump, Trung Quốc đã đồng ý “ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán về thay đổi cơ cấu đối với chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, xâm nhập không gian mạng và dịch vụ mạng, dịch vụ và nông nghiệp”.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể tiếp tục áp mức tăng thuế 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về vấn đề này trong vòng 90 ngày.
Một trong những câu hỏi quan trọng được đặt ra là “Trung Quốc thực hiện cuộc đàm phán này mạnh tới đâu và sự quản lý của chính phủ Trump ra sao”, ông Nicholas Consonery, Giám đốc Công ty nghiên cứu Rhodium Group nói.
Ông Consonery cho biết: “Bây giờ chúng ta đã có một góc nhìn để xem mức độ quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế. Nhưng những diễn biến gần đây có vẻ không lạc quan lắm”.
Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Fudan cho biết, ông hy vọng Trung Quốc sẽ cố gắng giải quyết các mối quan tâm của Mỹ bằng cách đưa ra các biện pháp cụ thể hơn nhằm cải cách nền kinh tế và mở cửa thị trường. Nhưng bước đột phá trong 90 ngày này phụ thuộc phần lớn vào cách xác định Trung Quốc trong những lĩnh vực này, Wu nói.
“Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ rất quan trọng vì không chỉ cần giải quyết cả hai vấn đề ngắn hạn mà còn xây dựng một khuôn khổ để giải quyết các vấn đề lâu dài”, ông Wu nói.
Trong khi đó, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc không có đề cập đến thời hạn 90 ngày mà chỉ tập trung vào vị thế “mạnh” của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại, tờ South China Morning Post nhấn mạnh.
Một bình luận được đăng trên tài khoản truyền thông xã hội của hãng tin Xinhua cho biết, Bắc Kinh đã “đứng vững trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của nó và sẽ tấn công đáp trả mạnh mẽ hơn”.
Wang Yong, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc vẫn phải sẵn sàng để đối phó với chính quyền Trump ngày càng hiếu chiến.
“Trung Quốc vẫn cần phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất của cả nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông Wang nói.
Trung Quốc sẽ cần nắm bắt thời điểm để thúc đẩy cải cách thị trường, đồng thời tăng gấp đôi nỗ lực của mình để phát triển công nghệ trong nước thông qua đổi mới, cũng như đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình, ông nói.
Theo ông Wang: “Có thể Trung Quốc sẽ điều chỉnh các chính sách công nghiệp bao gồm việc mở rộng tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng một thay đổi cơ bản đối với cơ cấu kinh tế sẽ khó đạt được. Mỹ sẽ cần phải điều chỉnh kỳ vọng của mình trong vòng đàm phán tiếp theo”.
Ngoài ra, William Zarit, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết lĩnh vực khó khăn nhất để giải quyết sẽ là các chính sách phân biệt đối xử về kinh tế của Trung Quốc bao gồm hỗ trợ của nhà nước và bảo vệ thị trường trong nước.
“Những vấn đề này cần phải được giải quyết để có một sân chơi và một mối quan hệ thương mại bền vững dựa trên sự công bằng và đối xử giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Zarit nói thêm.
Hồng Vân (Tổng hợp)