1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sau S&P, Moody's đánh giá thế nào về Sacombank?

(Dân trí) - Moody's cho rằng quyết định mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ của Sacombank đã làm giảm khả năng đương đầu với thua lỗ và giảm tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Đồng thời khuyến nghị, ngân hàng nên tìm kiếm một đối tác chiến lược nước ngoài mới sau ANZ.

Sau S&P, Moody's đánh giá thế nào về Sacombank? - 1
Đây là lần đầu tiên, Sacombank được cả hai tổ chức lớn là Standard & Poor và Moody's xếp hạng tín dụng.

Ngày 10/2, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố xếp hạng tín dụng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo đó, tổ chức này đã xếp hạng B2 cho tiền gửi ngoại tệ ngắn và dài hạn. Xếp hạng B1 cho 3 tiêu chí là tiền gửi nội tệ ngắn hạn và dài hạn; phát hành nợ bằng nội tệ ngắn hạn và dài hạn; phát hành nợ bằng ngoại tệ ngắn hạn và dài hạn. Đối với chỉ tiêu sức mạnh tài chính ngân hàng (BFSR), Sacombank được đánh giá mức E+.

Như vậy, đánh giá chung của Moody’s về triển vọng của ngân hàng này là ổn định. Riêng chỉ tiêu tiền gửi và phát hành nợ bằng ngoại tệ bị xếp hạng tiêu cực phản ánh triển vọng tiêu cực đối với trần ngoại tệ của Việt Nam.

Tổ chức này ghi nhận, sau vụ nhượng quyền thương mại, Sacombank đã trở thành ngân hàng lớn thứ 6 tại Việt Nam về quy mô tài sản và hệ thống chi nhánh cũng như số máy ATM phủ trên cả nước.

Hiện, danh mục các khoản cho vay đầu tư của Sacombank vẫn đa dạng với tỉ lệ cho vay khu vực tiêu dùng chỉ chiếm 1/3 tổng vốn cho vay và được đánh giá là ít gặp vấn đề hơn so mặt bằng chung của ngành ngân hàng Việt Nam, mức trích lập dự phòng cũng trên mức trung bình.

Như đối với hầu hết các ngân hàng trong nước, thanh khoản tại Sacombank cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ thắt chặt. Cụ thể, tỷ lệ các khoản vay trên tổng tiền gửi là 107% vào cuối tháng 6/2011, so mức 99% hồi cuối năm 2009. Tính cả chứng chỉ tiền gửi thì tỷ lệ các khoản vay trên tiền gửi là 82% vào cuối quý II/2011, so tỷ lệ 74% cuối 2009.

Moody’s cũng lưu ý đến khối lượng tiền gửi ổn định và khá lớn chiếm tới gần 60% nguồn vốn Sacombank hồi cuối năm 2010, chủ yếu là nội tệ. Điều này gắn với một thực tế là, tại thời điểm đó, nguồn tiền ngắn hạn đã tạo nên 27% tổng tài sản của Sacombank. Và theo như nhìn nhận của Moody’s, tính thanh khoản mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng ở những thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi mà nguồn tiền gửi vào có thể chịu ảnh hưởng rất lớn từ niềm tìn của các nhà đầu tư.

Trong khi Sacombank sở hữu tỷ lệ vốn cấp 1 khá vững chắc so với những ngân hàng khác tại Việt Nam thì Moody's tin rằng quyết định mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ gần đây gần đây của Sacombank là tiêu cực, làm giảm khả năng đương đầu với thua lỗ và tác động xấu tới khả năng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong tương lai.

Ngoài ra, việc tập trung vào khách hàng cá nhân, liên quan tới vốn và lợi nhuận cốt lõi, cao hơn so với các ngân hàng khu vực và toàn cầu, cho thấy lợi nhuận biến động và có thể phản ánh chất lượng tài sản đi xuống tại Sacombank - Moody’s phân tích.

Khó ước tính được nợ xấu thật sự theo tiêu chuẩn quốc tế

Tổ chức xếp hạng cho rằng, “Sacombank có thể không duy trì được các số liệu tài chính tốt trong trung hạn do thiếu đa dạng hóa danh mục đầu tư và môi trường hoạt động nhiều thách thức (lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt), khiến việc huy động vốn là một thách thức lớn.” Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam dù đạt được tăng trưởng cao trong suốt thập kỷ qua song vẫn còn yếu và dễ biến động.

Moody's cũng lo ngại về việc thiếu vắng một đối tác chiến lược nước ngoài tại Sacombank. Đối tác chiến lược nước ngoài trước đây của ngân hàng này là ANZ đã đóng góp tích tực vào các lĩnh vực như quản lý rủi ro, bán lẻ và công nghệ thông tin kể từ năm 2005. Tuy nhiên, sau đó, thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật của ANZ với Sacombank đã kết thúc năm 2008.

Và với việc thiếu đối tác chiến lược nước ngoài, Moody’s cho rằng, Sacombank vẫn có thể tiếp tục hoạt động với một hiệu suất trên trung bình hoặc sẽ phát triển với một đối tác chiến lược mới.

Nợ xấu của Sacombank thấp hơn so với các ngân hàng khác tại Việt Nam nhưng khó ước tính được nợ xấu thật sự theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, danh sách khách hàng vay nợ của Sacombank không gồm các tổ chức gặp khó khăn như Vinashin là yếu tố tích cực cho ngân hàng này.

Theo nhìn nhận của Moody’s, việc nâng xếp hạng chỉ tiêu sức mạnh tài chính ngân hàng của Sacombank trong tương lai gần là khó, do môi trường hoạt động, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi mạnh mẽ, thanh khoản thắt chặt và khả năng suy giảm chất lượng tín dụng tiềm tàng. 

Thậm chí, triển vọng tín dụng có thể thay đổi xuống tiêu cực nếu như ngân hàng xảy ra những tổn hại lớn trong giá trị thương hiệu, tỷ lệ vốn cấp 1 giảm xuống dưới 8%, việc quản lý yếu kém trong chiến lược tăng trưởng gây ảnh hưởng tới thanh khoản như khiến tỉ lệ tiền cho vay trên tiền gửi vượt quá 130%, và cuối cùng là những thiệt hại phát sinh từ các khoản cho vay không động với tỉ lệ trên 2%.

Cùng ngày hôm qua, hãng xếp hạng tín dụng lớn khác là Standard & Poor's cũng vừa công bố xếp hạng tín dụng của Sacombank, với xếp hạng B+ cho nợ dài hạn. Như vậy, chỉ trong một ngày, đã ghi nhận lần đầu tiên Sacombank được cả hai nhà xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới đưa vào danh sách đánh giá của mình.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm