Sau một năm “kỷ lục”, kịch bản nền kinh tế năm 2019 sẽ như thế nào?
(Dân trí) - Sau những con số tăng trưởng kinh tế hết sức ấn tượng năm 2018, giới chuyên gia chỉ ra rằng, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân, tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để.
Kinh tế năm 2018: Năm của những kỷ lục
Số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2018 tăng 7,31% so với cùng kỳ 2017. Tính chung GDP năm 2018 tăng 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành hơn 5,53 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Mức này tăng 198 USD so với năm 2017.
Về lạm phát, CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 244,7 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2017. Tính chung năm 2018 Việt Nam đạt thặng dư thương mại 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 25,6 tỷ và khu vực đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
"Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện", ông Nguyễn Bích Lâm nhận xét và cho biết, năng suất lao động tăng gần 6% so với 2017 và tính theo giá hiện hành đạt 102 triệu đồng (gần 4.512 USD) một người.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ vui mừng cho biết, cùng với tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng. Thủ tướng cũng cho biết, chưa bao giờ Việt Nam xuất siêu trên 7 tỷ USD như năm nay.
Không chỉ vậy, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi so với lạm phát. Đáng mừng hơn khi tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2018, cao nhất kể từ năm 2007 nhờ động lực đến từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ.
"Nếu như năm 2017, Việt Nam phụ thuộc vào điện thoại và thiết bị điện tử với tốc độ tăng trưởng 20-30% thì nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 11% trong 11 tháng năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng thay vào đó lại đến từ những ngành hưởng lợi từ chính sách để thay thế hàng nhập khẩu, như sản xuất ôtô và dược phẩm", ông Thành nói.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong năm nay không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
"Nhiều chuyên gia đã tỏ ra quan ngại khi tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam những năm trước gắn với mức độ thâm dụng tín dụng. Tuy nhiên trong năm nay, không cần tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng", ông Thành nói.
Hé lộ kịch bản kinh tế 2019
Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2019, ông Trương Văn Phước – Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân, tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để.
Đồng thời, ông Phước cũng cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế.
"Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại, triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và một số FTAs khác… Trong khi đó, lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ”, ông Phước nhận định.
Tuy nhiên, ông Phước cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.
"Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong những yêu tiên trong điều hành chính sách năm 2019”, ông Phước nói.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra dự báo, giai đoạn 2019 - 2020, Tốc độ GDP trong năm 2019 – 2020 cũng không bị chậm lại, thay vào đó, có thể đạt khoảng 6,9 – 7,1%.
Dù vậy, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban kinh tế thế giới của NCIF, cho biết nhìn chung thương mại, đầu tư toàn cầu đang đi xuống cùng với sự gia tăng bất ổn từ các thị trường, đại diện là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
"IMF từng phân tích rằng Việt Nam nếu gặp rủi ro sẽ hấp thụ rất nhanh, nhưng tận dụng cơ hội trong đó lại chậm, đấy là đặc điểm cơ cấu kinh tế Việt Nam", ông Thắng nhắc lại.
Theo ông Thắng, vấn đề chủ yếu nằm nhiều ở cuộc xung đột Mỹ - Trung. Nếu nhìn vào tăng trưởng, thu hút đầu tư thì trong năm 2018 nền kinh tế có nhiều kết quả tương đối tích cực. Nguyên nhân ở giai đoạn đầu, các luồng thương mại đang chuyển hướng, đổ sang Việt Nam khiến bình diện chung là có lợi chứ không phải thiệt hại.
“Tuy nhiên, về lâu dài, khi chiến tranh thương mại thực sự "ngấm", lan rộng ra khu vực sản xuất của nền kinh tế 90 triệu dân, đòi hỏi đầu mối về chuỗi cung ứng thay đổi, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn”, ông Thắng cho biết.
Chìa khoá vẫn là “cải thiện môi trường kinh doanh”
Ở một góc nhìn khác, TS Huỳnh Thế Du (Giảng viên ĐH Fullbright) cho rằng, cho rằng kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2018 thể hiện những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Du cho rằng, nhìn tổng thể sẽ thấy rằng kết quả năm 2018, thực ra, không tốt bằng năm 2017. Cả thị trường và đánh giá từ bên ngoài đều không tích cực.
Theo ông Du, thứ nhất, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm ba bậc và môi trường kinh doanh giảm một bậc so với năm 2017 (hai thứ hạng này năm ngoái đều tăng).
Bên cạnh đó, kết thúc năm 2018, khả năng cao là chỉ số VN-Index sẽ dao động quanh 900 điểm (ngày 27/12 đúng 900 điểm), thấp hơn đáng kể so với 981 điểm cuối năm 2017 (tăng 47% so với 2016).
“Ngoài ra, khi nhìn vào các nhân tố tác động lớn đến các kết quả trong tương lai và tính bao trùm của thành quả tăng trưởng thì kết quả đạt được không quá hồ hởi. Ví dụ số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng chỉ có 3,5%, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đến 49,7%; lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chỉ tăng 2,6% (năm 2017 là 5,1%)”, ông nói.
Dự báo về năm 2019, TS Huỳnh Thế Du cho rằng, môi trường kinh doanh và cảm nhận của thị trường là những thách thức rất lớn đang chờ đón vào năm 2019 – một thời điểm rất nhạy cảm với Việt Nam.
“Cùng với đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa biết dừng ở đâu và như thế nào? Nếu vừa phải thì Việt Nam có lợi thế trở thành điểm đến của một số nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc nhưng nếu nó lan mạnh hơn gây ra khủng hoảng suy thoái toàn cầu thì với một quốc gia có độ mở như Việt Nam, mọi chuyện sẽ rất căng”, ông Du bình luận.
Thêm vào đó, ông Du cũng chỉ ra rằng những “năm số 9” là năm cực kỳ nhạy cảm và có vấn đề với nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ như: năm 1979 Việt Nam rơi vào khủng hoảng lớn, đình đốn sản xuất; Năm 1989 là năm đổ bể của hợp tác xã tín dụng, về cơ bản khủng hoảng tài chính; Năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, Việt Nam rơi vào khủng hoảng đổ bể các ngân hàng thương mại, sau đó Chính phủ phải có kích cầu kinh tế; Năm 2009 rơi vào khủng hoảng kép khi diễn ra cùng với khủng hoảng toàn cầu.
“Những phân tích hiện giờ cho thấy, những chỉ tiêu cơ bản của năm 2019 vẫn rất ổn với điều kiện quán tính, nhịp độ của năm 2018 vẫn giữ. Tiếp theo nữa là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đừng có quá mức. Tuy nhiên, nếu rủi ro lớn thì chưa biết được. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cố gắng ổn định hơn nữa môi trường vĩ mô”, ông nói thêm.
Phương Dung