Bạc Liêu:

Sau ký cam kết, tôm tạp chất vẫn... diễn ra ngày càng tinh vi

(Dân trí) - Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, năm 2017 đã phát hiện hơn 9 tấn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất. Sở này cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng bơm tạp chất trên địa bàn phụ trách đúng theo tinh thần cam kết với chủ tịch UBND tỉnh.

Ký cam kết, tôm tạp chất vẫn diễn ra

Một báo cáo dự thảo về tôm tạp chất của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, hết năm 2017, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành tổ chức cho 21 chủ tịch UBND các xã, thị trấn và 857 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trên địa tỉnh ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không mua bán tôm có chứa tạp chất.

Trong đó, 100% doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không mua tôm có chứa tạp chất.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa tổ chức cho cơ sở nuôi tôm ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Một vụ phát hiện tôm chứa tạp chất trên địa bàn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) trong năm 2017.
Một vụ phát hiện tôm chứa tạp chất trên địa bàn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) trong năm 2017.

Mặc dù đã tổ chức ký cam kết nhưng qua thực hiện 89 đợt thanh, kiểm tra, với hơn 250 lượt doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện 56 trường hợp vi phạm, với hơn 9 tấn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất (chủ yếu là agar và CMC); với tổng số tiền phạt là trên 2,814 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; thu gom tôm có chứa tạp chất; vận chuyển tôm có chứa tạp chất;…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, đến cuối năm 2017, tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn cao (số vụ vi phạm chiếm 22,4% so với tổng số cơ sở được kiểm tra).

Còn theo kế hoạch của UBND tỉnh Bạc Liêu, mục tiêu đưa ra là đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, bảo vệ không cho vào nhà máy

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, mặc dù đã rất quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng tôm tạp chất nhưng thời gian qua công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Địa bàn rộng, các cơ sở thu mua, chế biến lại nằm rải rác khắp nơi, nhiều cơ sở ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, vì sự cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu và lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở đã ký cam kết nhưng lại chưa có quyết tâm thực hiện “nói không với tạp chất”.

Qua kiểm tra cho thấy, việc tổ chức đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi hơn (có cảnh giới, có cổng rào sắt bảo vệ, lựa chọn nhà ở khu vực di chuyển được bằng xe và cả xuồng máy hoặc khu vực trong hẻm sâu đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng, chỉ có thể tiếp cận bằng cách đi bộ, thậm chí đối tượng có thông tin trước khi bị kiểm tra); đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó và sẵn sàng chống đối với lực lượng chức năng.

Lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành khó tiếp cận với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu (đây là điểm đến cuối cùng của tôm nguyên liệu có chứa tạp chất) trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

“Khi kiểm tra phải qua khâu bảo vệ, cá biệt có trường hợp bảo vệ không cho vào, hẹn lúc khác vì không có giám đốc ở nhà máy; nhà máy có nhiều khu vực mà cơ quan chức năng chỉ được kiểm tra ở khâu tiếp nhận nguyên liệu hoặc chế biến, còn các khu vực khác chỉ được kiểm tra khi có quyết định khám xét”, báo cáo nêu.

Mức phạt đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu trong thực tiễn áp dụng chưa hợp lý, nhất là đối với nhóm đối tượng nhỏ lẻ. Những cá nhân, hộ gia đình có vốn không quá 10 triệu đồng mua vài ký tôm, tự bơm chích tạp chất vào, khi phát hiện bị xử phạt mức thấp nhất là 70 triệu đồng, phần lớn không có khả năng thi hành quyết định đã gây khó khăn cho cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt.

Còn đối với nhóm đối tượng là các doanh nghiệp, cơ sở có quy mô lớn thì mức phạt chưa đủ răn đe, do lợi nhuận từ việc bơm chích tạp chất quá lớn nên rất khó để làm dừng hẳn vấn nạn này.

Bắt quả tang một điểm bơm tạp chất vào tôm năm 2017.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu kiến nghị các cơ quan trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; xử lý đối với nhóm vi phạm về tạp chất, đảm bảo tính răn đe; xem xét, bổ sung nhóm tội phạm về an toàn thực phẩm Bộ Luật Hình sự.

Kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp thường xuyên với địa phương kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu; tăng cường kiểm tra thông quan và kiên quyết dừng xuất khẩu các lô hàng tôm thành phẩm có chứa tạp chất.

Kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc địa phương được sử dụng toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.

Sở NN&PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu trên địa bàn phụ trách đúng theo tinh thần cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh.

Huỳnh Hải

Sau ký cam kết, tôm tạp chất vẫn... diễn ra ngày càng tinh vi - 2