Sau khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát, giá dầu biến động khó lường
(Dân trí) - Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas trên đất Iran có thể khiến căng thẳng ở khu vực Trung Đông leo thang. Các chuyên gia cho rằng vụ ám sát này đã làm tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung và khiến giá dầu bật tăng.
Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát lúc nửa đêm khi đến Tehran dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran ngày 30/7.
Trang tin Nour News của Iran cho biết, vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh diễn ra khoảng 1h45 đêm 30/7, rạng sáng 31/7 khi ông đang nghỉ tại một khu nhà dành cho các cựu chiến binh ở thủ đô Tehran, Iran.
Giới chức Hamas cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công những không đưa ra bằng chứng. Và đến nay Israel cũng chưa đưa ra bình luận chính thức.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, hợp đồng dầu WTI vọt 4% lên mốc 78 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cũng tăng 2.68% lên hơn 80 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng vụ ám sát ông Haniyeh càng gây ra nhiều bất ổn hơn về thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng ở Gaza giữa Israel và Hamas. Ông Haniyeh là nhà đàm phán cấp cao trong các cuộc đàm phán.
Cho đến nay, bất chấp căng thẳng leo thang ở Trung Đông và xung đột Nga-Ukraine, thị trường năng lượng hầu như không biến động quá mạnh.
Ông Clay Seigle, Giám đốc cấp cao tại công ty phân tích Rapidan Energy Group, cho rằng trước đó các nhà giao dịch trên thị trường dầu đã đánh giá sai các rủi ro địa chính trị.
"Nhưng hiện tại, căng thẳng tại Trung Đông đang không ngừng leo thang. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ thu hút các nhà giao dịch dầu mỏ và khiến họ nâng giá dầu Brent để phòng ngừa rủi ro. Giá dầu có thể tăng ít nhất 5 USD/thùng, thậm chí trước cả khi chúng ta thấy nguy cơ gián đoạn nguồn cung thực sự", ông Seigle chia sẻ với CNBC.
Ông Tamas Varga, một nhà phân tích dầu mỏ tại công ty đầu tư PVM Associates, cho rằng việc vụ ám sát diễn ra trên đất Iran đã làm tăng rủi ro, gây nguy cơ gián đoạn nguồn cung và khiến giá dầu bật tăng.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ tác động hỗ trợ từ vụ việc sẽ không kéo dài trừ khi căng thẳng tiếp tục leo thang và thực sự đe dọa đến sản lượng dầu của khu vực này", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư UBS, cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Những lo ngại về việc leo thang căng thẳng ở Trung Đông đã kéo giá dầu thô lên cao. Song, rủi ro địa chính trị với dầu mỏ chỉ có xu hướng kéo dài nếu có sự gián đoạn nguồn cung. Phản ứng của giá dầu hiện nay chưa rõ ràng vì vẫn chưa có hiện tượng gián đoạn nguồn cung nào", ông Giovanni Staunovo nói với CNBC.