Sau khi ông Abe qua đời, chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Nhật ra sao?

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo Bloomberg, việc ông Abe qua đời vì bị bắn đã thúc đẩy cuộc tranh luận trên thị trường về khả năng mất nguồn hỗ trợ đối với chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Đồng yên tăng mạnh sau thông tin ông Abe bị bắn

Đồng yên Nhật đã tăng tới 0,5% sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị tấn công bằng súng khi ông đang phát biểu tại một sự kiện trên đường phố ở thành phố Nara lúc 11h30 (giờ địa phương).

Đến chiều nay, theo đài NHK, các quan chức Đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản đã xác nhận ông Abe đã qua đời sau khi được chuyển đến bệnh viện.

Sau khi ông Abe qua đời, chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Nhật ra sao? - 1

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời sau khi bị tấn công bằng súng khi đang phát biểu tại một sự kiện trên đường phố ở thành phố Nara (Ảnh: Getty).

Việc tăng giá của đồng yên diễn ra khi đồng euro ở mức thấp nhất trong 20 năm trong bối cảnh nhiều lo ngại cho rằng châu Âu có khả năng đang đứng bên bờ vực suy thoái.

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại Oanda cho rằng, việc ông Abe bị bắn đã đẩy tỷ giá đồng yên so với USD xuống mức thấp 135,35 yên/USD nhưng sau đó lại hồi phục nhanh và tăng lên mức 135,65 yên đổi một USD.

Ngay sau thông tin ông Abe bị bắn, chỉ số Nikkei 225 đã giảm mạnh, đảo ngược hoàn toàn mức tăng 1,4% trước đó. Tuy nhiên, chỉ số này chốt phiên ở mức cao hơn không đáng kể, tăng 0,1%.

Tranh cãi về chính sách siêu nới lỏng của Nhật

Ông Abe là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản. Ông đã từ chức vào năm 2020 sau nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2. Ông cũng là người đi đầu trong việc thực hiện bộ chính sách kinh tế được gọi là Abenomics, nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản hồi sinh sau nhiều thập kỷ trì trệ thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích chi tiêu và cải tổ cấu trúc.

Theo Bloomberg, việc ông Abe qua đời vì bị bắn đã thúc đẩy cuộc tranh luận trên thị trường về khả năng mất nguồn hỗ trợ đối với chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Trong khi một số nhà chiến lược thị trường cho rằng đồng yên có thể kéo dài đà tăng và thị trường chứng khoán chịu áp lực nếu cuộc tấn công khiến chính sách của ngân hàng trung ương sớm bị xem xét lại, thì phần lớn nhà kinh tế coi tác động của vụ việc này là hạn chế.

Ông Abe được biết đến là người ủng hộ cho chính sách của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda trong việc duy trì lãi suất ở mức đáy để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

"Điều này có thể tác động đến trung và dài hạn, và các thị trường sẽ chứng kiến sự tăng giá đáng kể của đồng yên cũng như sự sụt giảm của giá cổ phiếu", ông Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities nói và cho rằng ông Abe đã ủng hộ Thống đốc Kuroda. Do đó, chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể bị thay đổi vì mất đi sự ủng hộ đó.

"Ông Abe nổi tiếng bên ngoài Nhật Bản và giới đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận ông một cách tích cực. Nhưng điều đó có thể là tiêu cực đối với các thị trường nếu các chính sách của chính phủ, bao gồm lập trường nới lỏng tiền tệ, bị ảnh hưởng", Masahiro Yamaguchi, nhà phân tích thị trường cấp cao tại SMBC Trust Bank cho biết.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng, tác động của vụ việc này là hạn chế. Một số người cho rằng việc tiếp tục lập trường kích thích kinh tế của BOJ sau khi ông Abe từ chức vào năm 2020 cho thấy BOJ không còn phụ thuộc vào sự ủng hộ của ông.

Theo Bloomberg, AlJazeera