Sau dầu giá rẻ, Ấn Độ tăng nhập cả than của Nga bất chấp cảnh báo của Mỹ

Nhật Linh

(Dân trí) - "Cơn đói" than của Ấn Độ đang ngày càng tăng vì vậy ngay cả khi hàng hóa Nga bị xa lánh, gã khổng lồ châu Á này vẫn để mắt tới than của Nga sau khi mua dầu giá rẻ của nước này.

Sau dầu giá rẻ, Ấn Độ tăng nhập cả than của Nga bất chấp cảnh báo của Mỹ - 1

Nhập khẩu than từ Nga của Ấn Độ đã tăng vọt trong tháng 3 lên mức cao chưa từng có trong hơn 2 năm (Ảnh: Getty).

Ấn Độ tăng nhập khẩu than từ Nga

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm nhập khẩu than Nga thì Ấn Độ đang có dấu hiệu tăng nhập khẩu nguồn than từ nước này. Theo dữ liệu từ công ty tình báo hàng hóa Kpler, nhập khẩu than từ Nga của Ấn Độ đã tăng vọt trong tháng 3 lên mức cao chưa từng có trong hơn 2 năm qua.

Nói với CNBC, ông Matthew Boyle - nhà phân tích hàng đầu của Kpler - cho biết nhập khẩu than từ Nga của Ấn Độ trong tháng 3 đã đạt mức 1,04 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Trong đó, khoảng 2/3 lượng hàng trên đến từ các cảng Viễn Đông ở Nga, có thể là sau khi chiến sự nổ ra.

Tuần trước, Ấn Độ cho biết họ có kế hoạch nhập khẩu gấp đôi lượng than cốc của Nga, loại than sử dụng để sản xuất thép.

Theo hãng năng lượng Rystad Energy, việc EU cấm nhập khẩu than Nga diễn ra trong thời điểm thị trường than quốc tế vô cùng thắt chặt, giá cao. "Nhu cầu than ở châu Á tăng cao khi các quốc gia cố gắng giảm thiểu nhập khẩu khí đốt vốn đang đắt đỏ, khiến giá than tăng cao trong năm qua", Rystad Energy cho biết.

Giá than API2 giao tháng 5 đã tăng vọt lên 300 USD/tấn trong ngày 12/4 so với mức 70 USD/tấn cách đây 1 năm, theo Rystad Energy.

"Cơn đói" than của Ấn Độ có thể được hưởng lợi nhờ thỏa thuận thương mại ký kết với Australia hồi 2/4. Theo đó, hơn 85% hàng hóa nhập khẩu từ Australia sang Ấn Độ sẽ được dỡ bỏ thuế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Australia không đủ than để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ.

Theo báo cáo triển vọng năng lượng Ấn Độ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn điện từ than đá chiếm khoảng 70% sản lượng điện của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này là nhà nhập khẩu và tiêu thụ than lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ 6 thế giới. Trong năm 2020, 54% lượng than xuất khẩu của Nga là xuất sang các nước châu Á, trong khi 31% được xuất sang các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Á (OECD).

Mỹ cảnh báo 

Trước khi chiến sự nổ ra, Ấn Độ nhập rất ít than từ Nga, chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng lượng nhập khẩu của nước này trong năm 2021.

Tuy nhiên, nói với Reuters, Bộ trưởng Thép Ấn Độ Ramchandra Prasad Singh cho biết nước này đang hướng đến nhập khẩu than cốc từ Nga. Ông cho biết Ấn Độ đã nhập 4,5 triệu tấn than cốc từ Nga, tuy nhiên không nói rõ nhập trong thời kỳ nào.

"Bất chấp những cảnh báo từ phương Tây, Ấn Độ vẫn tiếp tục dựa vào mối quan hệ chuỗi cung ứng của Nga đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và than đá", ông Samir N. Kapadia, người đứng đầu bộ phận thương mại tại công tư tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group, cho biết.

Theo ông Kapadia, họ sẽ dựa vào một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ "để vượt qua một số thách thức về tài chính trên thị trường". Hoán đổi tiền tệ là thỏa thuận giữa 2 ngân hàng trung ương để trao đổi tiền tệ, cải thiện điều kiện thanh toán và cung cấp vốn ngoại tệ cho các ngân hàng trong nước trong thời kỳ thị trường căng thẳng.

Cơ chế này sẽ cho phép Ấn Độ mua năng lượng và hàng hóa xuất khẩu của Nga ngay cả khi các lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế cơ chế thanh toán quốc tế.

"Tôi không nghĩ họ có thể giải quyết được vấn đề logistics nhưng việc hoán đổi giữa đồng rúp và đồng rupee sẽ có ích", ông Kapadia nói với CNBC.

Theo ông, Mỹ có thể sẽ xem xét trừng phạt hay áp các biện pháp khác với Ấn Độ nếu nước này không giảm việc mua dầu và than từ Nga. Kể từ khi chiến sự nổ ra, Ấn Độ đã thu mua đáng kể lượng dầu giá rẻ từ Nga.

Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ đã cảnh báo New Delhi về việc tăng nhập khẩu dầu từ Nga. Washington cảnh báo Ấn Độ sẽ phải đối mặt với hậu quả đáng kể nếu vẫn liên kết với Moscow.

Theo CNBC