1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sau cú sốc Tân Hoàng Minh, thêm 5 thông điệp nóng về trái phiếu

Văn Hưng

(Dân trí) - Do tăng trưởng "nóng", thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bộ Tài chính thêm một lần phát đi cảnh báo đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Doanh nghiệp mua lại hơn 86.000 tỷ đồng trái phiếu

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), cho biết tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm là 280.641 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, các tổ chức tín dụng chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành. Các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,5%. Xây dựng chiếm 8,8%. Riêng trong tháng 7 có tới 84,4% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành là của các tổ chức tín dụng. Còn các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.

Nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường sơ cấp là các tổ chức tín dụng (mua 46,14%), công ty chứng khoán (mua 22,43%), các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%. Tuy nhiên, theo thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.

Sau cú sốc Tân Hoàng Minh, thêm 5 thông điệp nóng về trái phiếu  - 1

Tổng quan tình hình trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm (Ảnh: VBMA).

Nếu như trong quý I doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% thì sang quý II, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành, chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44%.

Bên cạnh đó, sau những động thái chấn chỉnh của cơ quan quản lý, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn với khối lượng mua lại trong 6 tháng đầu năm đạt 62.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào quý II (đạt 49.100 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 7, khối lượng mua lại là 86.556 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi giảm mạnh trong tháng 4 thì khối lượng phát hành đã tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm các tổ chức tín dụng. Nhóm bất động sản vẫn tiếp tục phát hành nhưng khối lượng phát hành thấp hơn rất nhiều so với quý I.

Nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, lãnh đạo Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư tham gia thị trường cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.

Bộ Tài chính lưu ý trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Sau cú sốc Tân Hoàng Minh, thêm 5 thông điệp nóng về trái phiếu  - 2

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Ảnh: Tạp chí Tài chính).

Ba là các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).

Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành.

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.