1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sau Covid-19 là thời điểm vàng kí kết hiệp định thương mại với EU

(Dân trí) - Theo Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đây là thời điểm vàng để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, việc kí kết hiệp định thương mại với EU sẽ là một minh chứng.

Ngay sau khi 2 hiệp định thương mại tự do EVFTA và EVIPA chính thức được Quốc hội thông qua, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Pier Giorgio Aliberti đã có những chia sẻ với báo chí về ý nghĩa của việc ký kết này.

Trong đó, điều ông Giorgio Aliberti đánh giá cao nhất là Việt Nam đã hoàn thành việc ký kết vào đúng thời điểm vàng.

Cụ thể, theo đánh giá của Trưởng phái đoàn EU, một cơ hội tích cực cho Việt Nam thời điểm này khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đó chính là sau đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội vàng, bởi sau đại dịch, mọi người trên toàn cầu mới nhận ra, không nên tập trung vào chỉ một quốc gia nhất định trong quan hệ thương mại đầu tư, mà phải đa dạng hoá. Trong cơ hội đa dạng hoá này, Việt Nam đang đứng trước lợi thế, cơ hội và lợi ích rất lớn.

Sau Covid-19 là thời điểm vàng kí kết hiệp định thương mại với EU - 1

Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Pier Giorgio Aliberti (bên phải)

Lấy một ví dụ trong khối các nước ASEAN, ông Giorgio Aliberti nhận định, hiện nay chỉ có Singapore có FTA với EU. Tuy nhiên, Singapore ở trình độ phát triển khác và họ chỉ tập trung vào mảng dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam là sản xuất hàng hoá. Nếu so sánh với các quốc gia tương đồng khác thì Việt Nam là nước số 1 hưởng các lợi thế tiếp cận thị trường EU.

Song, theo Trưởng phái đoàn EU, trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU giai đoạn từ 2001 - 2018, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU trung bình là 16%, đây là con số ấn tượng. Nhưng nếu đặt giá trị thương mại trong tỷ trọng thương mại toàn cầu thì nó đang nhỏ dần.

Do đó, các công ty Việt Nam không nên tự mãn với những gì mình đạt được, mà phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng tỷ trọng lớn hơn nữa trong tương lai.

Cơ hội và thách thức

Việc thông qua 2 hiệp định thương mại là thời khắc lịch sử của Việt Nam và liên minh Châu Âu sau 10 năm đàm phán.

Theo ông Giorgio Aliberti, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Trong đó, ở phía Việt Nam, người tiêu dùng sẽ có được cơ hội tiếp cận các sản phẩm của EU với tiêu chuẩn cao và giá cả phải chăng hơn. Các nhà sản xuất thì có cơ hội dễ dàng hơn tiếp cận thị trường có sức mua lớn. Các doanh nghiệp còn có cơ hội thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu hàng hoá.

Đặc biệt, dẫn theo 1 nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới WorldBank, ông Giorgio Aliberti cho biết, dự kiến đóng góp của hiệp định thương mại này vào tăng trưởng GDP Việt Nam là 2,4%. Không những vậy, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có sự tăng trưởng 12% và giúp 800 nghìn người thoát khỏi nghèo đói.

Tuy nhiên, Trưởng phái đoàn EU cũng nêu lên một thực tế rằng, mọi việc diễn ra thế nào còn phụ thuộc vào các bên thực thi hiệp định đến đâu và quá trình cải cách của Việt Nam ra sao.

Đặc biệt, sẽ có nhiều thách thức đặt ra, mà trong đó ông Giorgio Aliberti quan tâm nhất là vấn đề số hoá trong các quy trình thủ tục để tạo thuận lợi, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần sự cải thiện trong xuất khẩu, cần tập trung sản xuất hàng hoá đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Đáng chú ý là các tiêu chuẩn như: FPS, tiêu chuẩn lao động hoặc các tiêu chuẩn thị trường quan trọng khác.

“Thách thức của FTA ở chỗ, nó không dành cho tất cả mọi người. Vì cần phải chiến đấu, nỗ lực giành lấy cơ hội bằng cách tiếp cận đầy đủ và hiểu được thị trường, hiểu được quy tắc xuất xứ,…”, ông Giorgio Aliberti cho hay.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm