Đồng Tháp:
Sau Covid-19, Đồng Tháp cà phê với doanh nhân ngay tại các khu công nghiệp
(Dân trí) - Điểm hẹn cà phê doanh nhân - doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, nay lãnh đạo Đồng Tháp “mở rộng” đến các khu, cụm công nghiệp để đồng hành, gỡ khó cho DN nhất là sau dịch Covid-19.
Lãnh đạo tỉnh… “gõ cửa” doanh nghiệp
Từ lâu, nhiều người biết đến mô hình cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương “đăng ký kinh doanh” tại một góc nhỏ trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp.
Từ năm 2016, nơi đây không chỉ là nơi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng sở ngành vào mỗi buổi sáng sớm mà còn là nơi để người dân, lãnh đạo các doanh nghiệp đến “than khó” “hiến kế” với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Tại quán cà phê này, nhiều doanh nghiệp được gỡ khó một cách khó tin, chẳng hạn như doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo Phương Thanh (huyện Châu Thành). Từ chuyện bị cơ quan thuế phạt hơn 200 triệu đồng vì chậm nộp thuế, tuy nhiên sau buổi cà phê với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, công ty này chẳng những không bị phạt mà còn hưởng chính sách ưu đãi khi kinh doanh ngành gạo hơn 1 tỷ đồng (do doanh nghiệp chưa nắm thông tin về chính sách ưu đãi).
Ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Marine Functional Việt Nam, chia sẻ: “Khi dự án của DN được thông qua, đến thủ tục thuê đất và xây dựng thì gặp khó khăn. Tuy nhiên trong buổi cà phê buổi sáng với lãnh đạo Đồng Tháp, DN được phép tiến hành xây dựng cùng lúc với việc hoàn thành thủ tục thuê đất. Việc này giúp DN rút ngắn thời gian 15 - 20 ngày, tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể”.
Đó là một trong những câu chuyện liên quan đến thủ tục hành chính “con gà có trước hay quả trứng có trước” đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tháo gỡ chỉ trong 30 phút cà phê buổi sáng. Trong khi đó, nếu để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đóng tiền thuê đất mới được cấp phép xây dựng, có khi doanh nghiệp đi 1-2 tháng chưa xong.
Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Doanh nghiệp là đòn bẩy giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân nâng cao. Do đó, chính quyền phải kề vai sát cánh với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc để DN có điều kiện kinh doanh tốt nhất”.
Cũng theo ông Dương, những tháng đầu 2020 xảy ra tình hình dịch bệnh covid-19, quán cà phê doanh nhân – doanh nghiệp trở thành phòng họp giao ban buổi sáng về công tác phòng, chống dịch… Khi dịch bệnh được kiểm soát, bắt đầu bàn đến chuyện ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hậu Covid-19 là thực hiện gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy hỗ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
…liều thuốc kích thích cho DN
Năm 2020, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh đồng hành cùng doanh nghiệp, nên yêu cầu các ngành, các cấp cần tăng cường gặp gỡ doanh nghiệp để cung cấp thông tin, tháo gỡ, chia sẻ, động viên các doanh nghiệp, đặc biệt là phát động mạnh hơn phong trào khởi nghiệp và nhân rộng mô hình doanh nghiệp thành những “điểm hẹn doanh nhân”.
Mặc dù, gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh và các ngành luôn gặp qua kết nối trực tuyến và mạng xã hội; khi dịch bệnh tạm kết thúc dịch covid-19, lãnh đạo tỉnh thường xuyên cùng các ngành trực tiếp đến các điểm hẹn để cùng các doanh nhân - doanh nghiệp vừa bàn phương án khắc phục dịch, vừa định hướng cho sản xuất kinh doanh chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (người được phân công gặp gỡ DN) chia sẻ: “Vẫn là quán cà phê “Doanh nhân – Doanh nghiệp” nhưng chúng tôi nhân rộng ra và hiện nay tất cả các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều đã hình hình mô hình cà phê này. Nơi đây, tạo sự thân thiện, thân tình, gần gủi giúp doanh nghiệp không có thời gian hay ngại đến tỉnh, và cũng để kết nối giữa các doanh nghiệp - doanh nghiệp với nhau; đồng thời, cũng giúp lãnh đạo tỉnh, các ngành phải “rời ghế” và tách ra khỏi “4 bức tường” về cơ sở nắm và giải quyết được nhanh và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Anh Ngọc – Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Marine Functional Việt Nam chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi khá bất ngờ khi sau dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng các Sở, ngành trực tiếp đến các khu, cụm, điểm công nghiệp thăm hỏi DN. Tại buổi trò chuyện này, các DN như chúng tôi thoải mái “tố khổ” với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng như những chính sách trong kinh doanh chồng chéo, gây khó cho DN thì được lãnh đạo tỉnh giãi bày ngay. Cá nhân tôi cho rằng, từ sự quan tâm của lãnh đạo Đồng Tháp dành cho DN hậu Covid-19 như một liều thuốc kích thích để giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, ổn định phát triển trong thời gian tới”.
Còn ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Khi chúng tôi đến với các DN không chỉ mỗi việc đi động viên, tháo gỡ khó khăn cho DN mà trái lại, chính lãnh đạo các DN cũng hiến kế cho chúng tôi rất nhiều về công tác điều hành lãnh đạo, cải cách hành chính, chính sách ưu đãi… Hay các quyết sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do vậy, cuộc gặp gỡ này đôi bên cùng có lợi cho sự phát triển chung của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày một tốt hơn. Chúng tôi đang cùng nhau chắt chiu từng cơ hội của DN và nhà đầu tư, vì đó cũng là cơ hội, nhiệm vụ của chính quyền, nhân dân Đồng Tháp” hướng tới.
Kết thúc buổi uống cà phê với DN, lãnh đạo Đồng Tháp thành lập nhóm Zalo, tiếp tục gắn kết, chia sẻ những thông tin giữa DN với DN; giữa DN với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng như các chính sách liên quan đến DN, người lao động được hai bên chia sẻ thông tin qua lại để nắm và thực hiện đúng, hiệu quả hơn.
Hiện nay, mỗi tuần Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (phụ trách kinh tế) thường dành ít nhất 01 buổi đến các Khu, cụm, điểm công nghiệp, cơ sở gặp gỡ các DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hội quán, người lao động để giải quyết những vấn đề vướng mắc cho DN, nhất là thời gian sau dịch Covid-19.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Đồng Tháp tiếp tục giữ vững ngôi Á quân, 12 năm liên tục đứng Top 5 cả nước. Và mô hình Cà phê doanh nghiệp (mô hình từng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích nhân rộng, đến nay có trên 20 tỉnh, thành thực hiện) đã góp phần đưa địa phương duy trì dẫn đầu về chỉ số thành phần “Tính năng động của lãnh đạo" trong nhiều năm qua.
Tại Đồng Tháp hiện có trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở các khu, cụm, điểm công nghiệp, trong đó, có gần 300 dự án đầu tư của các nhà đầu tư.
Đồng Tháp đang quyết tâm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, kết nối các tỉnh khu vực ĐBSCL, nhất là các tuyến giao thông đường thuỷ và đường bộ từ Đồng Tháp kết nối đến Cần Thơ, TP.HCM và Thành phố Pnom Penh (Campuchia) thông qua 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà để tạo môi trường thuận lợi, đón các doanh nghiệp “tràn” về Đồng Tháp đầu tư trong thời gian tới.
Nguyễn Hành