Sau chỉ đạo "nóng", nơi mua xăng dễ hơn, nơi vẫn đóng cửa im lìm
(Dân trí) - Sau chỉ đạo "nóng" của Chính phủ về việc các đơn vị triển khai giải pháp để khắc phục cảnh thiếu hụt cục bộ xăng dầu ngay từ 12/11, việc cây xăng đóng cửa, bán tối đa 50.000 đồng/khách vẫn còn. Tuy vậy, cũng có người phản ánh mua xăng có phần dễ hơn.
Trong Công điện số 1085 ngày 11/11 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định. Các giải pháp theo thẩm quyền cần được triển khai quyết liệt để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11.
Theo ghi nhận của Dân trí trong ngày 12/11, không ít cửa hàng xăng dầu tại quận trung tâm của Hà Nội vẫn còn tình trạng người dân xếp hàng dài chờ mua xăng. Một số cây xăng bán "nhỏ giọt", cá biệt tình trạng cửa hàng xăng dầu căng dây đóng cửa vẫn còn xuất hiện ở một số huyện ven trung tâm như Sóc Sơn, Đan Phượng...
Đơn cử, trên địa bàn huyện Đan Phượng, ghi nhận nhanh có 2 cửa hàng xăng dầu xã Hạ Mỗ và Hồng Hà thông báo đang "hết xăng dầu chờ nhập hàng". Đây là 2 cửa hàng xăng dầu có vị trí giao thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu lớn cho người dân khu vực này.
Chuyên nhập rau từ chợ Long Biên sau đó vào nội thành bán tại chợ dân sinh, bà Hồng, người dân tại xã Hồng Hà cho biết mấy ngày nay bà phải nghỉ đi chợ vì không mua được xăng. "Tôi lên cây xăng ở xã thì đóng cửa, lên cây ở xã Hạ Mỗ lân cận cũng không mua được xăng vì cây này đóng cửa nốt", bà nói.
Không rơi vào tình trạng đóng cửa, nhưng cửa hàng xăng dầu Sông Hồng trên đường vành đai 3 (khu đô thị Gamuda Garden - quận Hoàng Mai) lại chỉ bán xăng cho khách hàng đi xe máy mỗi lượt là 50.000 đồng. Tình trạng bán xăng "nhỏ giọt" này đã được cửa hàng xăng dầu này thực hiện trong nhiều ngày qua.
"Mất công xếp hàng sau cả chục người, nhưng khi đến lượt, nhân viên cửa hàng xăng dầu này thông báo chỉ được mua xăng đúng số tiền 50.000 đồng. Tôi có hỏi sao không cho người dân mua cao hơn, nhưng nhân viên cũng nói ngắn gọn là đây là quy định của cửa hàng", một khách hàng mua xăng kể.
Tương tự, trưa 12/11, tại một cửa hàng xăng dầu tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng có cảnh hàng dài người dân xếp hàng chờ mua. Một số người mang can, chai nhựa đi mua xăng. Nhân viên cây xăng cho biết dù khách mang can hay mang xe đến đổ thì cũng chỉ bán tối đa 50.000 đồng đối với người đi xe máy và 500.000-600.000 đồng với khách đi ô tô.
Ghi nhận việc mua xăng của người dân tại một số cửa hàng xăng dầu trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) trong ngày 12/11 cũng cho thấy, nhìn chung tình trạng đông người chờ xếp hàng vẫn diễn ra cục bộ ở một số thời điểm.
"Tôi lựa chọn mua xăng ở đây là do cửa hàng xăng dầu này vẫn đáp ứng nhu cầu của tôi, không giống như một số cây xăng thuộc doanh nghiệp tư nhân, họ chỉ cho mua 50.000 đồng" - một khách hàng mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên đường Lĩnh Nam chia sẻ.
Còn ở khu vực nội thành, trong khi anh Tuấn sống tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết anh mua xăng tại cây xăng ở phố Thành Công khá thuận tiện, dễ dàng thì một khách hàng khác là chị Thu lại cho biết chị phải chờ 30 phút để được đổ 50.000 đồng.
Liên quan tới tình hình xăng dầu hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong cuộc họp về điều hành giá chiều 11/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan thống nhất nhận định.
Trước tiên, về nguồn cung, theo báo cáo của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã đạt tổng sản lượng 12,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm.
Theo số liệu của cơ quan chức năng về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm nay, các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu. Như vậy, tổng nguồn xăng dầu cho đến giờ này là 18,6 triệu tấn đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn bị đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá hoặc là các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Cuộc họp thống nhất nguyên nhân chính của hiện tượng mà các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, hạn chế bán ra là do các định mức chi phí và các định mức chi phí phát sinh trong bối cảnh rất dị biệt của thị trường xăng dầu hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ kịp thời trong công thức tính giá cơ sở.
Bộ Tài chính ngày 12/11 cũng đã có đề nghị "nóng" với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam. Các nội dung gồm: báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, trong đó lưu ý các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định... không bao gồm VAT.
Theo Bộ Tài chính, chi phí định mức xăng dầu chỉ là một cấu phần trong điều hành cung ứng xăng dầu trong nước. Việc quan trọng là công tác điều hành, phân bổ thực tế, không thể để xảy ra tình trạng xăng dầu tồn kho lớn song người dân vẫn gặp khó khăn khi mua, hay khu vực ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đổ xăng bình thường trong khi nội thành thì khan hiếm.
Bộ này cho rằng Bộ Công Thương cần chủ động bám sát thị trường, kết hợp linh hoạt giữa xăng dầu sản xuất trong nước với xăng dầu nhập khẩu, dự báo khu vực nào sẽ thiếu cung để điều phối, phân phối về khu vực đó, điều hành linh hoạt từ khu vực còn tồn kho lớn về khu vực đang thiếu.
Bộ Công Thương cần có bản đồ cây xăng rõ ràng của công ty, nhà phân phối đang chủ động được nguồn cung cũng như đơn vị không nhập, không chủ động được để chỉ đạo bổ sung, chia sẻ giữa các doanh nghiệp.