Quảng Ngãi:
Sau 9 năm, dự án thép "khủng" 4,5 tỉ USD lại xin rút vốn đầu tư
(Dân trí) - Sau 9 năm, 5 lần xin giảm vốn đầu tư, siêu dự án một thời là Dự án thép Quảng Liên của Tập đoàn E-United (Đài Loan) tại Quảng Ngãi tiếp tục đệ đơn xin rút vốn đầu tư xuống chỉ còn 2 tỉ USD so với lời hứa đầu tư 4,5 tỉ USD như ban đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ vừa ký công văn gửi các bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội thép về việc xem xét chấp nhận điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Tập đoàn E-United, chủ đầu tư dự án nhà máy thép Quảng Liên (Guang Lian) tại Dung Quất - Quảng Ngãi.
Theo đó, chủ đầu tư của dự án nhà máy thép Quảng Liên muốn xin rút vốn đầu tư từ 4,5 tỉ USD (năm 2010) xuống còn 2 tỉ USD. Đây từng được coi là dự án “đình đám” nhất ngành thép từ năm 2006 với công xuất thiết kế 5 triệu tấn/năm.
Sau 9 năm, dự án thép tỉ đô trên diện tích hơn 500ha vẫn án binh bất động
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Dòng tiền tiếp tục tìm đến cổ phiếu đầu cơ, VN-Index giảm điểm * Malaysia Airlines ra sao sau 1 năm xảy ra vụ MH370? * TPHCM: Nhà băng vào cuộc, bất động sản khởi sắc |
Từ năm 2012, tập đoàn JFE (Nhật Bản) có ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu triển khai dự án này cùng với E-United. Tuy nhiên, sau 2 năm tham gia vào tháng 9/2014 tập đoàn này đã tuyên bố rút khỏi dự án này.
Trước đó, vào tháng 7/2014 Chính phủ đã bác hàng loạt đề xuất ưu đãi đối với dự án thép Quảng Liên như: không chấp thuận chi ngân sách đền bù giải phóng diện tích đất bổ sung; chỉ đồng ý giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm chứ không miễn hoàn toàn loại thuế này cho suốt đời dự án.
Theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: “Dự án Nhà máy Thép Quảng Liên có quá nhiều vấn đề từ việc chứng minh năng lực tài chính của chủ đầu tư lẫn việc chủ đầu tư không thực hiện đúng như cam kết đầu tư, lẫn thời gian hoàn thành dự án mà vẫn được phép hoạt động.
Dự án thép Guang Lian (Quảng Liên) được Quảng Ngãi cấp phép đầu tư cho Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) từ năm 2006 với lời hứa cam kết vốn thực hiện 1 tỷ USD và được cấp phép xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất khi khu kinh tế này mới được triển khai đầu tư xây dựng. Đến năm 2007, Tycoons chuyển hơn 90% dự án này cho đối tác E – United (Đài Loan), chỉ còn giữ 10% vốn đầu tư. Vào tay của E-United, dự án nhà máy sản xuất thép này đã nhiều lần chuyển đổi giấy phép đầu tư từ 3 triệu tấn thép/năm lên 5 triệu tấn thép/năm rồi 7 triệu tấn thép/năm với số vốn đầu tư được được nâng lên từ 1 tỉ USD lên 3 tỉ USD rồi đến 4,5 tỉ USD năm 2010.