1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sau 1/7, những ai buộc phải ra quầy nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng?

Nhật Quang

(Dân trí) - Một số trường hợp sẽ cần ra quầy giao dịch ngân hàng khi muốn chuyển tiền trên 10 triệu đồng, kể từ ngày 1/7 sắp tới.

Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước nhằm triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

Theo đó, các giao dịch của người dân - nhất là các giao dịch lớn từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày đều buộc phải xác thực sinh trắc học. Dữ liệu sinh trắc học này phải trùng khớp hoàn toàn với dữ liệu trên thẻ căn cước công dân gắn chip.

Ngoài ra, người muốn nạp tiền vào ví điện tử từ trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều được yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo.

Trường hợp nào người dân buộc phải ra ngân hàng giao dịch?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Thái Bình, Giám đốc Khối Ngân hàng số Sacombank, cho biết, khách hàng rất dễ dàng trong việc tự đăng ký sinh trắc học trên ứng dụng số.

Tuy nhiên, một số trường hợp như khách lớn tuổi, khách hàng không có thiết bị hỗ trợ NFC hay trường hợp đặc biệt khác... chưa thể đăng ký sinh trắc học với ngân hàng thì buộc phải ra quầy giao dịch khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng.

Đại diện OCB cho biết, khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân cũ nhưng còn hiệu lực thì cần ra quầy giao dịch để được hỗ trợ.

Sau 1/7, những ai buộc phải ra quầy nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng? - 1

Những cá nhân chưa thể đăng ký sinh trắc học với ngân hàng thì buộc phải ra quầy giao dịch khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng.

Ngoài ra, khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng do lỗi kỹ thuật từ hệ thống, hoặc do thiết bị người dùng cũng cần phải ra quầy để xác thực.

Với một số trường hợp đặc biệt như người chuyển giới, người có phẫu thuật thẩm mỹ..., đại diện OCB cho biết nhóm khách hàng không thể xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng, thì cần liên hệ trực tiếp các điểm giao dịch ngân hàng. Khi đó, nhân viên ngân hàng sẽ hỗ trợ cho việc đăng ký sinh trắc học khuôn mặt theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo các ngân hàng nói từ ngày 1/7, khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày, người dân bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học.

Việc xác thực sinh trắc học sẽ giúp người dân chủ động bảo vệ được tài khoản ngân hàng của mình, đồng thời đảm bảo các giao dịch diễn ra liền mạch và thông suốt. Hơn nữa, biện pháp xác thực này sẽ giảm thiểu tối đa các tình huống lừa đảo, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản do tội phạm công nghệ gây ra.

Cùng với đó, xác thực sinh trắc học trên ứng dụng tài chính tạo thêm một lớp bảo vệ vững chắc cho tài khoản ngân hàng của khách hàng. Điều này có nghĩa là chỉ sinh trắc học đã được xác thực mới có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn, đảm bảo an toàn tài chính tối đa.

Xác thực sinh trắc: Đánh đổi giữa "tiện lợi" và "an toàn"

Chia sẻ một số góc nhìn về việc áp dụng sinh trắc học từ ngày 1/7, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), cho rằng, không thể phủ nhận những ích lợi, sự an toàn mà Quyết định 2345 đem lại.

Trong khi đó, công nghệ càng phát triển thì lại xuất hiện càng nhiều các hình thức lừa đảo mới. Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực thanh toán là cách giảm thiểu và cố gắng ngăn chặn càng sớm càng tốt, chứ không thể loại trừ 1 cách hoàn toàn.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân khi không cập nhật được xác thực sinh trắc học từ app ngân hàng thì phải ra quầy giao dịch thực hiện trực tiếp gây ra sự bất cập, bất tiện trong quá trình sử dụng.

Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân sử dụng điện thoại không theo chuẩn quốc tế, nên thiết bị không quá chuẩn để có thể cập nhật sinh trắc học.

Ông Huân lý giải để đăng ký sinh trắc tất cả các thiết bị di động phải chuẩn, như yếu tố xác thực khuôn mặt đòi hỏi camera trước phải có độ phân giải cao mới nhận diện được khuôn mặt, hay quét QR code trên CCCD.

Thêm nữa, NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn) để xác nhận chip không phải điện thoại nào cũng có tính năng này mà đa phần nằm ở điện thoại thế hệ mới.