Sắp trình Chính phủ kế hoạch “hậu” kích cầu
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuối tháng 9 tới, Bộ sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét về kế hoạch “hậu” kích cầu khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% sẽ kết thúc vào cuối tháng 12/2009.
Khoảng 15 ngày sau đó, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia có thông báo những kết quả khá khả quan về kết quả thực hiện kích cầu lãi suất sau 8 tháng thực hiện, theo đó, việc thực hiện kích cầu lãi suất là tương đối an toàn, chưa xảy ra hệ lụy gì cũng như chưa gây ra tác động phụ gì đáng kể.
Trên căn cứ đó, nhiều thành viên của ủy ban này thống nhất đề nghị cần kéo dài thêm gói kích cầu lãi suất chứ chưa nên chấm dứt vào cuối năm 2009. Là đon vị trực tiếp điều hành và thực thi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 4% nhưng Ngân hàng Nhà nước đến nay vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thu Hà thì cơ chế hỗ trợ lãi suất tác động làm cho tín dụng VND tăng trưởng ở mức cao, lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi, làm “méo mó” khối lượng vốn huy động và lãi suất thị trường, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và ổn định lãi suất, tỷ giá.
Các doanh nghiệp vay vốn thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất thường lập phương án sản xuất - kinh doanh, dự án đầu tư với thời hạn trả nợ kéo dài hơn so với thời gian trước đây và chu kỳ sản xuất - kinh doanh để được hưởng hỗ trợ lãi suất dài hơn, kéo theo việc quay vốn và tín dụng chậm lại, gây rủi ro lớn cho các ngân hàng thương mại nếu như diễn biến kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi.
Theo nhận định của một lãnh đạo thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2009 thì có thể ngừng kích cầu để tránh làm nghiêm trọng tình trạng thâm hụt ngân sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đang ngày một khó khăn.
“Đánh giá của các tổ chức trong nước cũng như quốc tế đều khẳng định kinh tế Việt Nam đã phục hồi sớm. Nếu có tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong năm 2010 thì hình thức cũng phải khác và đối tượng được hỗ trợ sẽ chọn lọc và khắt khe hơn. Kế hoạch cụ thể cho hậu kích cầu lãi suất đang được Bộ khẩn trương hoàn thành để kịp trình lên Thủ tướng vào cuối tháng 9”, vị này cho hay.
Không thể phủ nhận trong gần 9 tháng qua, biện pháp kích thích kinh tế chủ lực mang lại hiệu quả rõ rệt là gói cho vay hỗ trợ lãi suất 4%. Nhưng, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, biện pháp này lại khó áp dụng triệt để nếu kéo dài thêm quá thời hạn ấn định là hết năm 2009 vì khi đó hiệu quả sẽ không cao và tình trạng thất thoát chắc chắn sẽ xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, sau khi bù trừ số tăng giảm, dự kiến thu ngân sách Nhà nước năm 2009 vẫn giảm thu khoảng 29.000 - 63.000 tỷ đồng so với dự toán.
Trong báo cáo nghiên cứu dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006 - 2010 do Dự án Hỗ trợ Giám sát phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra cảnh báo rằng thu ngân sách Nhà nước sẽ ngày càng khó khăn.
Hiện nay, gần một nửa thu ngân sách vẫn còn dựa vào các khoản thu thiếu ổn định, không bền vững như thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu. Trong trung và dài hạn, hai khoản thu này sẽ giảm.
Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, mục tiêu hạn chế nhập khẩu đi đôi với cắt giảm thuế quan với mức độ nhanh hơn từ nay đến 2010 sẽ ảnh hưởng không tốt tới mức thu từ loại thuế này trong thời gian tới.
Trong 1 - 2 năm tới, thu từ khu vực doanh nghiệp cũng khó tăng do tăng trưởng kinh tế chậm lại, ưu tiên chính sách cho việc kiềm chế lạm phát và ngăn chặn suy giảm kinh tế. Với diễn biến trên, áp lực giảm thu ngân sách, nhất là sau 2010 khá lớn.
Rõ ràng, nếu vẫn mạnh tay kích cầu lãi suất 4% như năm 2009 thì đó sẽ là một thách thức lớn đối với ngân sách nhà nước. Thực tế thì ngay từ khi gói kích cầu này được triển khai, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ cần kiên quyết thực hiện dứt điểm gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% theo đúng kế hoạch, tránh kéo dài gây ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô trong dài hạn.
Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng chính sách bù lãi suất tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí. Nếu không được quản lý hiệu quả, sẽ gia tăng gánh nặng nợ nần và hiện tượng đầu cơ nóng với các dự án vay chất lượng thấp.
Ngoài ra, điều này có thể làm ảnh hưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế do việc cho vay nặng tính bao cấp, vì không phát huy vai trò điều tiết thị trường, làm gia tăng tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Theo Lê Châu
VnEconomy