Sáp nhập ngân hàng: Đừng "dục tốc bất đạt!"
(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc sáp nhập ngân hàng phải giải quyết được những vấn đề tồn đọng nhiều năm để lại, nên cần một thời gian đủ dài để tất cả các hoạt động này đi vào thực chất, chứ không chỉ đơn thuần là loại bỏ về mặt số lượng trên thị trường.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
Thưa ông, trong thời gian gần đây, thị trường tài chính đang đón nhận hàng loạt thông tin mới về các cuộc sáp nhập ngân hàng. Theo ông M&A trong lĩnh vực ngân hàng năm 2015 này sẽ có điểm gì khác so với thời gian trước và bức tranh ngành ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào?
Tôi cho rằng, M&A trong lĩnh vực ngân hàng thời điểm này sẽ rất khác so với thời gian trước đây. Thứ nhất là tiến trình sáp nhập sẽ được đẩy mạnh trong năm nay, hoặc là tự nguyện, hoặc là dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là năm cuối cùng của giai đoạn 5 năm phát triển kinh tế 2011-2015, trong đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là 1 trong 3 trọng điểm để tái cấu trúc nền kinh tế.
Trong năm 2015, cả Chính phủ, NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) đều sẽ chịu áp lực rất lớn với nhiệm vụ tái cấu trúc ngân hàng. Những ngân hàng tự tái cấu trúc vẫn chưa đạt thì sẽ phải bị sáp nhập.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, “dục tốc vi bất đạt”: nếu thực hiện một cách quá vội vàng thì việc sáp nhập cũng chỉ là trên bề mặt hình thức mà thôi còn thực chất sẽ không được như kỳ vọng.
Việc sáp nhập ngân hàng phải giải quyết được những vấn đề tồn đọng nhiều năm để lại, nên cần một thời gian đủ dài để tất cả các hoạt động này đi vào thực chất, chứ không chỉ đơn thuần là loại bỏ về mặt số lượng các ngân hàng tồn tại trên thị trường. Sáp nhập cần mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng một cách thực chất nhất.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng một số ngân hàng lớn tham gia mua các ngân hàng nhỏ theo chỉ định?
Tôi cho rằng đây là điều cần thiết trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam thời điểm này. Thực tế thì các chủ ngân hàng rất ngại trong việc từ bỏ ngân hàng của mình, hoặc chấp nhận bị mua lại.
Để xin được một giấy phép thành lập ngân hàng là rất khó khăn. Bản thân các ông chủ ngân hàng cũng hiểu được, việc tồn tại của ngân hàng là rất có lợi cho mình. Do đó, việc sáp nhập nếu không có sự can thiệp của NHNN hoặc không có NHNN làm đầu mối chỉ đạo thì nhiều ngân hàng không muốn tham gia. Và sự có mặt của NHNN trong quá trình này là rất cần thiết!
Việc xử lý nợ xấu của VAMC sau khi thu hồi vẫn chưa có nhiều tiến triển
“Chiếc đũa thần” VAMC có linh nghiệm hơn sau khi tăng sức mạnh?
Mới đây, với sự ra đời của Nghị định 34/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 5/4/2015), văn bản sửa đổi bổ sung cho Nghị định 53/2013/NĐ-CP, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ được phép nâng vốn điều lệ gấp 4 lần. Theo ông, với số vốn này, VAMC đã đủ tiềm lực để mua bán nợ xấu một cách hiệu quả hơn hay chưa?
Câu trả lời của tôi là chưa. Việc tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng là điều thị trường tài chính rất hoan nghênh vì với tiềm lực tài chính của VAMC như bây giờ thực sự là không có nghĩa lý gì. VAMC được thành lập như một công cụ của NHNN để mua nợ xấu mà chưa đóng một vai trò đáng kể trong quá trình xử lý nợ xấu với vốn điều lệ nhỏ nhoi 500 tỷ đồng như thế.
Rõ ràng với số vốn nhỏ như vậy, VAMC cho đến bây giờ mới chỉ đang mua nợ xấu từ các ngân hàng bằng phát hành trái phiếu đặc biệt mà thôi, và các ngân hàng cũng không thể tới VAMC chiết khấu vì VAMC không có tiền mà phải qua NHNN để tái cấp vốn. Thành ra vai trò của VAMC đến thời điểm này trước khi được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng vẫn đang rất thứ yếu trong xử lý nợ xấu.
Câu hỏi đặt ra là với mức tăng này vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng thì sức mạnh của VAMC sẽ cải thiện ra sao? Theo tôi, việc tăng cường đó là rất tốt! Tăng bao nhiêu trên mức 500 tỷ đồng cũng vẫn là tốt. Thế nhưng để có thể biến VAMC trở thành một cơ quan chủ động và tích cực trong xử lý nợ xấu thì vẫn là chưa đủ!
Trước hết, mức vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của VAMC không thấm vào đâu so với tổng tài sản hiện tại của VAMC là hơn 100.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đòn bẩy của VAMC là 50:1 đến 60:1 là quá lớn so với một tổ chức tài chính vốn đóng vai trò trọng yếu trong xử lý nợ xấu. Tỷ lệ đòn bẩy này cho thấy sức mạnh tài chính của VAMC còn rất yếu.
Thứ hai, khi nói đến vấn đề mua nợ từ các NHTM, thì trong tương lai VAMC vẫn sẽ mua với hình thức trả bằng trái phiếu chứ chưa trả bằng tiền tươi thóc thật. Vấn đề là trái phiếu trong tương lai của VAMC sẽ được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Khi ngân hàng bán nợ và nhận về trái phiếu đặc biệt của VAMC, nếu họ tiền mặt họ có hai cách: hoặc đến NHNN để tái chiết khấu, hoặc bán trái phiếu này trên thị trường chứng khoán. Với sức mạnh tài chính của VAMC còn hạn chế với tỷ lệ đòn bẩy 50-60:1 thì có lẽ không người mua nào trên thị trường dám mua trái phiếu này (vốn không được bảo đảm bởi NHNN). Vì chỉ nhìn vào tỷ lệ đòn bẩy quá lớn, người ta có quyền nghi ngờ về khả năng vỡ nợ của tổ chức phát hành. Như vậy, các NHTM muốn có tiền tươi thóc thật cũng chỉ còn cách đến NHNN xin tái cấp vốn mà thôi. Thành ra, tôi cho là với số vốn điều lệ này thì vẫn chưa làm thay đổi được thanh khoản của trái phiếu của VAMC.
Nghị định 34 cũng cho phép VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt trong thời hạn 10 năm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tái cơ cấu và gặp khó khăn về tài chính. Theo ông, phương án này có tạo sự hấp dẫn hơn với những ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC không?
Có thể quy định này sẽ có tác động tích cực. Nếu như trước đây thời hạn chung với trái phiếu đặc biệt là 5 năm và mỗi năm các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro và khấu trừ giá trị trái phiếu VAMC 20%. Bây giờ, thời hạn được kéo dài lên 10 năm thì mỗi năm ngân hàng bán nợ cho VAMC chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 10% mỗi năm.
Với những ngân hàng yếu kém, việc kéo dài thời hạn nợ đồng nghĩa với giảm tỷ lệ phải trích lập dự phòng rủi ro của trái phiếu từ 20% xuống 10% thì tỷ lệ sinh lời của ngân hàng sẽ tốt hơn. Đây cũng là cách giúp các ngân hàng yếu kém điều chỉnh sổ sách để có lợi nhuận. Thế nhưng, điều này vẫn không giải quyết được vấn đề cốt lõi là nợ xấu, mà chỉ có thể hỗ trợ các ngân hàng về mặt lợi nhuận sổ sách mà thôi.
Nghị định 34 có điểm mới là cho phép VAMC phát hành trái phiếu theo giá thị trường (so với trước đây là theo giá trị sổ sách hoặc cao hơn). Như vậy, theo ông đánh giá, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC có được đẩy nhanh hơn trước?
Tôi cho rằng quy định này sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản của các khoản nợ xấu mà VAMC mua vào. Tuy nhiên, mua theo giá thị trường thì hai bên sẽ phải đàm phán và giá trị sổ sách sẽ được chiết khấu với một tỉ lệ nhất định. Thay vì mua 100% như bây giờ thì tương lai hai bên sẽ đàm phán với nhau.
Giao dịch này sẽ là “mua đứt-bán đoạn”, chính vì thế thông thường các ngân hàng sẽ cần thu hồi được tiền mặt ngay để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp này, nếu trái phiếu của VAMC không có tính thanh khoản thì chưa chắc các ngân hàng đã dám bán nợ theo kiểu này. Trước đây họ bán nợ theo giá trị danh nghĩa, còn sắp tới bán theo giá thị trường có nghĩa là ngân hàng sẽ phải chịu một thiệt hại tương đối lớn, nên chắc chắn họ sẽ đòi hỏi tính thanh khoản cao của trái phiếu đó thì họ mới bán.
Qua báo cáo tài chính của một số ngân hàng thời gian vừa qua có thể thấy là có khá nhiều ngân hàng giảm rất mạnh và đột ngột về nợ xấu. Theo ông, điều gì đã giúp các ngân hàng này đưa nợ xấu xuống thấp như vậy?
Tôi nghĩ phần lớn là nhờ các ngân hàng bán nợ cho VAMC. Nợ xấu toàn hệ thống đưa xuống cỡ 3% là không kể những khoản nợ bán cho VAMC, chỉ tính toán trên sổ cách của các ngân hàng mà thôi. Khoảng 120.000 tỷ đồng nợ xấu đã được các ngân hàng bán cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ mang tính sổ sách, còn trên thực tế thì VAMC sau khi mua về nợ xấu vẫn chưa giải quyết được bao nhiêu.
Bất động sản "ấm" lên là một tin mừng cho các ngân hàng
Ngân hàng không nên để cán bộ, nhân viên tự thẩm định bất động sản
Trong năm nay theo ông, liệu Thông tư 02 và 09 có ảnh hưởng lớn đến bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng hay không? Đồng thời, với những quy định chặt chẽ hơn về phân loại nợ và trích lập dự phòng thì lợi nhuận các ngân hàng có khả quan hơn các năm trước?
Các thông tư này có thể sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu lên. Thông tư 09 có một điều khoản là một số khoản nợ đáng lý phải chuyển nhóm nợ thì các ngân hàng được cho phép giữ nguyên nếu đáp ứng được một số điều khoản. Tuy nhiên, Thông tư 09 đã hết hạn từ 1/4, nên toàn bộ Thông tư 02 sẽ được áp dụng trong năm nay.
Với việc áp dụng của Thông tư 02, nếu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện thì khả năng nợ xấu tăng lên sẽ rất nhiều. Do vậy, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng có lẽ sẽ không sáng sủa hơn năm ngoái.
Thêm vào đó, năm nay các ngân hàng sẽ thực hiện bán nợ xấu rất nhiều cho VAMC, song song với đó sẽ phải trích lập khoảng 20% trên số nợ đã bán ra cho VAMC. Dự phòng rủi ro sẽ ăn vào lãi rất lớn!
Với sự ấm dần lên của thị trường bất động sản thời gian gần đây (thông qua các con số thống kê), theo ông dòng vốn chảy vào kênh này có cải thiện? Và các ngân hàng nên ứng xử ra sao trong việc cho vay bất động sản để tránh vết xe đổ các năm trước để lại?
Thị trường bất động sản đang trong tiến trình phục hồi, đây là một điều rất tốt cho nền kinh tế. Song các ngân hàng thời điểm này cũng đã rất cẩn trọng hơn trong cho vay bất động sản, không như trước đây cho vay bừa bãi, thẩm định giá trị tái sản gấp nhiều lần so với giá trị thực. Có lẽ các ngân hàng giờ cũng không còn dám làm như vậy vì họ đã nhận quá nhiều thiệt hại rồi, và không ít các lãnh đạo ngân hàng cũng đã vướng vòng lao lý.
Tất nhiên, tôi vẫn cho rằng các ngân hàng nên mạnh dạn cho vay khi thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi, trên cơ sở thận trọng. Trong khâu thẩm định, các ngân hàng cần có sự tham gia của các công ty chuyên nghiệp thay vì sử dụng cán bộ, nhân viên ngân hàng để đánh giá và thẩm định bất động sản. Đây là vấn đề cốt lõi. Thẩm định sai một ly đi một dặm, sẽ ảnh hưởng tới nợ xấu, có thể sẽ không thể thu hồi.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp thực hiện