Uỷ ban Giám sát Tài chính: Sáp nhập ngân hàng sẽ kịch tính hơn
(Dân trí) - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, thời gian tới, các thương vụ sáp nhập kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.
Nếu loại trừ tính mùa vụ, tăng trưởng GDP quý I/2015 còn cao hơn quý IV/2014 (6,62% so với 6,27%) , duy trì xu hướng cải thiện từ quý IV/2012. Phân tích yếu tố chu kỳ của tăng trưởng cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.
Khu vực công nghiệp và xây dựng là động lực cho tăng trưởng quý I với mức tăng 8,35% (cùng kỳ năm trước tăng 4,69%), cao hơn nhiều so với mức tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản (tăng 2,14%) và khu vực dịch vụ (tăng 5,82%).
Trong bối cảnh đó, thanh khoản hệ thống được duy trì tốt. Lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng được duy trì ổn định. Xu hướng cắt giảm lãi suất huy động đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng (tính đến 24/02/2015, lãi suất huy động tăng 0,96% so với đầu năm). Nguyên nhân là do tỷ lệ lạm phát đã giảm 1,5 điểm % (từ mức 1,84 % trong tháng 12/2014 xuống 0,34% /năm trong tháng 2/2015), giúp duy trì lãi suất thực.
Đánh giá về xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng, UBGSTCQG dùng bốn từ “diễn ra mạnh mẽ” để diễn tả. Không đề cập đến tên các ngân hàng cụ thể, nhưng UBGSTCQG cho hay: “Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng”.
Còn nhớ, vào đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp: Năm 2015, NHNN sẽ sáp nhập ít nhất khoảng 6 - 8 ngân hàng. Hiện tại, Thống đốc NHNN đã có văn bản về việc chấp thuận nguyên tắc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) theo Đề án sáp nhập đã được hai ngân hàng trình.
Theo thông tin từ thị trường, Vietcombank sẽ sáp nhập ngân hàng khác vào hệ thống và đối tượng đó có thể là Saigonbank. Ngoài ra, BIDV cũng sẽ “cưới” một ngân hàng phía Nam. Ngoài ra, VietinBank cũng sẽ sáp nhập một ngân hàng khác vào hệ thống. Được biết, đối tượng sáp nhập với VietinBank vẫn sẽ là Ngân hàng Xăng dầu (PGBank). Ngân hàng Phương Nam đang chờ NHNN phê duyệt sáp nhập Sacombank… Dẫu vậy, ai sẽ là “ông chủ” của các đế chế mới vẫn đang là ẩn số.
Và theo đánh giá của UBGSTCQG: “Do quá trình tái cơ cấu, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Năm 2014, lợi nhuận bình quân hệ thống tổ chức tín dụng giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2013 .
Cũng theo số liệu được cung cấp. tính đến 20/3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 1,25% (cao hơn nhiều so với mức giảm 0 ,57% của cùng kỳ năm 2014). Tình hình tín dụng cải thiện một phần do mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Tính đến 18/3 lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng ở mức 5,8%, giảm 0,2 điểm % so với đầu năm.
Với mức lạm phát cơ bản năm 2015 khoảng 3,5%, UBGSTCQG cho rằng: Trong điều kiện giá lương thực và năng lượng thế giới được dự báo giảm trong năm 2015, khả năng đạt mục tiêu 5% về lạm phát tổng thể sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ điều chỉnh giá điện. UBGSTCQG ước tính, mức tăng giá điện bình quân 7,5% có ảnh hưởng làm lạm phát cả năm 2015 tăng thêm khoảng 0,5%.
Lạm phát thấp tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhất là khi trong năm 2015, việc phát hành TPCP sẽ chỉ thực hiện đối với kì hạn từ 5 năm trở lên. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ phát hành 232 nghìn tỷ đồng TPCP, tăng 7,7% so với năm 2014.
Trên thực tế, lợi suất TPCP đã có dấu hiệu tăng lên trong tháng 3/2015. Ngoài ra, trong điều kiện USD lên giá so với các đồng tiền và xuất khẩu tăng chậm, lãi suất có thể phải duy trì để ổn định tâm lí thị trường.
Nguyễn Hiền