Sáng nay khai mạc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam
(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 20 năm, Hội nghị các Nhà tài trợ (CG) được đổi tên thành Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VFPF), nâng tầm thành diễn đàn đối thoại đa phương về chính sách. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và chủ trì.
Lần đầu tiên, Hội nghị CG được đổi tên thành VDPF.
Sáng nay (5/12), lần đầu tiên Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF2013) được thay thế cho Hội nghị các Nhà tài trợ (CG) sẽ được khai mạc tại Hà Nội.
Chủ đề của Diễn đàn VDPF2013 là “Thiết lập quan hệ đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cung cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu tại Diễn dần. Ngoài ra, tham dự còn có khoảng 300 đại biểu, đại diễn lãnh đạo một số Bộ, ngành địa phương, đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội nhân dân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Thay vì trước đây, Thủ tướng thường đến dự và có bài phát biểu, lần này, lần đầu tiên chuyển từ mô hình CG sang VDPF, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với các nhà tài trợ xuyên suốt các vấn đề "nóng" của Diễn đàn.
Các chủ đề thảo luận tại Diễn đàn bao gồm phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và các vấn đề chiến lược; giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ nước và vệ sinh môi trường; báo cáo thảo luận kỹ thuật về chính sách (bao gồm nâng cao hiệu quả của các hệ thống quản lý môi trường; tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua phát triển đào tạo nghề và kỹ năng).
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, mục tiêu của Diễn đàn nhằm hướng đến sự trao đổi thẳng thán, xây dựng giữa người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành địa phương và các đối tác phát triển.
Trong thời gian trước đó, CG đã được tổ chức như một diễn đàn thường niên đối thoại về chính sách phát triển của Chính phủ, hợp tác phát triển và quan hệ đối tác với các nhà tài trợ; định hướng ưu tiên huy động và sử dụng nguồn vốn ODA. Đặc biệt, Hội nghị CG cũng là diễn đàn để các nhà tài trợ thông báo các khoản cam kết ODA hàng năm cho Việt Nam.
Trong 20 năm qua, từ 1993-2012, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,2 tỷ USD, trong đó ký kết đạt 56 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng vốn ODA cam kết, bao gồm 51,6 tỷ USD vốn vay ưu đãi, chiếm 88,4% và 6,76 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, chiếm 11,6%. Tổng vốn ODA giải ngân trong cùng thời kỳ này đạt 37,6 tỷ USD chiếm 66,9% vốn ODA đã được ký kết.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam hiện đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình, quan hệ hợp tác phát triển đối với các đối tác phát triển và Việt Nam đã và sẽ có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thay đổi của viện trợ toàn cầu. Theo đó, các khoản ODA không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi, có lãi suất thấp sẽ ít hơn, thay vào đó là các khoản vay có lãi suất, và lãi suất cao hơn.
Với mục đích tập trung vào đối thoại chính sách hiệu quả hơn, chương trình nghị sự của VDPF năm nay sẽ không bao gồm nội dung thảo luận và cam kết ODA như các hội nghị CG trước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, sự cam kết hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ vẫn là một nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển và sẽ được thảo luận, cam kết tại các diễn đàn đối thoại song phương hoặc các diễn đàn khác giữa Chính phủ và các đối tác phát triển.
Trên cơ sở nội dung và kết quả của đối thoại chính sách theo các chủ đề của Diễn đàn, Chính phủ và các đối tác phát triển sẽ thống nhất các lĩnh vực ưu tiên, định hướng hoạt động và giải pháp thực hiện các chính sách, đồng thời cũng sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam.
Bích Diệp