Sáng nay, bắt đầu Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB
(Dân trí) - Sáng nay 3/5, Hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 chính thức bắt đầu tại Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 3.600 đại biểu, khách mời đến từ khu vực châu Á và thế giới.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự giữ trọng trách nước chủ nhà Hội nghị thường niên của ADB - một trong những sự kiện quốc tế quan trọng được tổ chức tại Việt Nam.
Hội nghị thường niên lần này của ADB có sự tham gia của khoảng 3.600 đại biểu, khách mời đến từ khu vực châu Á và thế giới, trong đó có lãnh đạo các Chính phủ, Thống đốc các Ngân hàng Trung ương (NHTW), Bộ trưởng kinh tế - tài chính... của 67 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên của ADB.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các tổ chức tài chính quốc tế; khu vực tư nhân với các tập đoàn tài chính, doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới; các tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân sự xã hội, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước...
Hội nghị thường niên lần thứ 44 ADB là diễn đàn đa phương tập trung thảo luận hàng loạt các vấn đề lớn như: an ninh lương thực, vượt bẫy thu nhập trung bình, mô hình tăng trưởng, đối phó với sự bất ổn của các dòng vốn nóng, phát triển hạ tầng, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, biến đổi khí hậu...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thường trực Hội nghị thường niên lần thứ 44 ADB, cho biết: “Sự gia tăng phát triển kinh tế của châu Á, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, rõ ràng là một minh chứng cho sự năng động của khu vực.
Khả năng phục hồi đáng kể của khu vực phần lớn phản ánh những cải cách và tái cơ cấu thành công được thực hiện sau cuộc khủng hoảng năm 1997-1998. Sự hợp tác mạnh mẽ đã giúp cho khu vực đối phó thành công với cuộc khủng hoảng, giúp chúng ta tự tin tham gia hành động cùng hướng tới tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo thiên niên kỷ.”
Ban tổ chức cho hay, bên lề Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 sẽ có gần 20 cuộc hội thảo và thuyết trình quốc gia. Đáng chú ý là cuộc hội thảo mang chủ đề “Châu Á năm 2050”, nhằm bàn thảo về những cách thức phải thực hiện trong 40 năm tới để duy trì động lực cho quá trình tăng trưởng đáng ghi nhận mà châu Á đã đạt được trong những thập kỷ vừa qua...
Một sự kiện góp phần làm nổi bật “Dấu ấn Việt Nam” trong khuôn khổ hội nghị năm nay là “Chương trình Ngày Việt Nam”. Nằm trong khuôn khổ chương trình này có Hội nghị cấp cao về kinh doanh với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng Việt Nam và các diễn giả quốc tế.
Bên cạnh đó là các hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư, thương mại và du lịch ở Việt Nam cũng như các hoạt động văn hóa, giới thiệu lịch sử, truyền thống của Việt Nam...
An Hạ