Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc bị chỉ trích chi tiêu lãng phí, tiêu chuẩn kém

(Dân trí) - Mức chi tiêu của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng khổng lồ ở các quốc gia Đông Nam Á theo Sáng kiến Vành đai, Con đường đã gặp phải một loạt vấn đề bao gồm việc không đạt tiêu chuẩn và sử dụng tiền lãng phí cho các dự án vô ích, một báo cáo mới nêu rõ.

Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc bị chỉ trích chi tiêu lãng phí, tiêu chuẩn kém - 1

Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào được Trung Quốc thi công với việc Lào phải chi 1,78 tỷ USD, tương đương 12% GDP nước này. (Nguồn: Bloomberg)

Sáng kiến ​​Vành đai, Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm 2013, bao gồm dự án khổng lồ trị giá 1 nghìn tỷ USD, nhiều dự án con trong số đó là các tuyến đường bộ và đường sắt tại hơn 125 quốc gia.

Tuy nhiên, siêu dự án này ​​đã gây nên nhiều tranh cãi, bao gồm các cảnh báo thường xuyên rằng các nước nghèo sẽ phải chịu gánh nặng nợ nần và tuyên bố rằng Bắc Kinh đang sử dụng nó để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố này.

Báo cáo của Hiệp hội Châu Á, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, đã đề xuất một loạt các biện pháp để cải thiện Sáng kiến, bao gồm thiết lập một quỹ để cho phép các nước kém phát triển giảm thiểu rủi ro và đưa ra các đánh giá môi trường phù hợp.

Nghiên cứu của tổ chức này được công bố vào hôm qua (12/6) cho biết, tại Đông Nam Á, có rất nhiều sự cố được ghi nhận là dân làng bị buộc rời khỏi nơi sinh sống mà không được đền bù.

Cụ thể, báo cáo trích dẫn trường hợp dân làng ở Lào đã bị buộc rời khỏi nhà để nhường đường cho tuyến đường sắt từ Côn Minh đến Vientiane. Báo cáo cho biết các nhà quản lý dự án Trung Quốc đã không nỗ lực để có được sự hỗ trợ từ người dân địa phương hoặc đảm bảo họ được tái định cư và bồi thường hợp lý.

Hơn nữa, các quan chức Trung Quốc cũng đã cố gắng ký kết các dự án một cách nhanh chóng mà không hề thẩm tra độ khả thi của chúng, báo cáo cho biết.

Tuyến đường sắt bờ biển Malaysia đã được trao cho Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc vào năm 2016 mà không có quy trình đấu thầu mở và không có đánh giá trước dự án. Do đó, chi phí của dự án đã tăng vọt trước khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cố gắng xóa sổ kế hoạch này sau khi ông trở lại nắm quyền vào năm ngoái.

Việc đàm phán lại sau đó đã khiến chi phí của dự án giảm xuống còn 9,6 tỷ USD, bằng khoảng 2/3 chi phí ban đầu.

“Một trong những yếu tố lớn nhất khiến các dự án thiếu sót hoặc thất bại là không phân tích đầy đủ trước khi triển khai dự án. Điều này đã dẫn đến việc phải thay đổi về mặt chính trị và chi phí cho các dự án sau khi chúng được tiến hành”, báo cáo chỉ ra.

Nó cũng cảnh báo rằng một số dự án quá đắt đối với nước chủ nhà, điều này dẫn đến việc nhà thầu được bồi thường bằng các thỏa thuận bên lề hoặc các dự án ma.

Ví như tuyến đường sắt ở Lào ước tính trị giá 5,95 tỷ USD, trong khi nước chủ nhà phải chịu 1,78 tỷ USD, tương đương 12% GDP.

Báo cáo cho biết Chính phủ Lào đã phải nhượng bộ thuế và đất đai. Và kinh nghiệm cho thấy Lào sẽ phải đưa ra những nhượng bộ tiếp theo. Cụ thể là một trường hợp vào năm 2008, khi chính quyền phải nhượng đất cho một nhà thầu Trung Quốc để bồi thường cho các khoản nợ từ nước này để xây dựng sân vận động thể thao tại Vientiane.

Các vấn đề khác khiến Sáng kiến này không được yêu quý bao gồm thiếu sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương, các công ty Trung Quốc thất bại trong việc thuê nhân công địa phương, và các nước chủ nhà hay các nhà thầu nước ngoài cảm thấy khó khăn khi đấu thầu hợp đồng.

Hồng Vân (Tổng hợp)