Ý gia nhập Sáng kiến "Vành đai, Con đường" là lợi ích ngắn hạn, nỗi đau dài hạn

(Dân trí) - Việc Ý gia nhập Sáng kiến “Vành đai, Con đường” có thể gây ra một làn sóng nhập khẩu đáng kể của Trung Quốc, gây hậu quả bất lợi lâu dài cho ngành công nghiệp, việc làm và chính trị Ý.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte bắt tay sau khi ký bản ghi nhớ ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh tại Villa Madama, Rome vào ngày 23/3 vừa qua. (Nguồn: VOA)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte bắt tay sau khi ký bản ghi nhớ ủng hộ sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh tại Villa Madama, Rome vào ngày 23/3 vừa qua. (Nguồn: VOA)

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte vừa ký kết gia nhập Sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” của Trung Quốc (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng và thương mại xuyên lục địa trị giá hàng nghìn tỷ USD. Biên bản ghi nhớ tại Rome là tâm điểm của chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Âu và nó sẽ biến Ý thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G-7 tham gia vào chiến lược này của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã chỉ trích dự án nghìn tỷ USD này và cảnh báo về những rủi ro về bẫy nợ. Cùng với đó, các thành viên của EU cũng đang lo lắng kế hoạch này có thể khiến quan hệ một số nước ngày càng căng thẳng hơn.

Ông Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Lega theo chủ nghĩa dân túy, đại diện cho một nửa chính phủ liên minh Ý, đang thể hiện sự phản đối của mình bằng cách không tham gia lễ ký kết và có mặt tại buổi dạ tiệc theo lịch trình sau đó.

Chia sẻ với báo chí, ông Salvini và ông Steve Bannon, cựu cố vấn của Hoa Kỳ, bày tỏ sự băn khoăn về nguy cơ BRI sẽ biến Ý thành thuộc địa của Trung Quốc và Ý sẽ gánh thêm nợ.

Hai ông cũng đã công khai chỉ ra những lo ngại về an ninh của Ý khi cho phép Trung Quốc kiểm soát một số cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các cảng lớn.

Một số quan chức Ý trong Bộ Kinh tế và Tài chính cũng đã đưa ra những cảnh báo.

Họ lập luận rằng, trong khi hợp tác với Bắc Kinh theo cách này có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc, nhưng một triển vọng được ông Tập nhấn mạnh rằng BRI cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng giá rẻ của Trung Quốc sang Ý.

Do đó, các quan chức Ý cảnh báo rằng, một kịch bản như vậy có thể hủy hoại các nhà sản xuất và công nhân nội địa Ý.

“Nếu thương mại cất cánh đáng kể, đó có thể là lợi ích ngắn hạn, nhưng là nỗi đau dài hạn”, một quan chức ẩn danh nói với VOA.

Bên cạnh đó, một số quan chức Ý cũng cho rằng, trong khi BRI có thể cung cấp các nguồn tài trợ mới cho Ý thì quốc gia này vẫn bị tụt hậu so với mức đầu tư nước ngoài mà họ nhận được trước khủng hoảng chính toàn cầu năm 2008. Đáng nói, sáng kiến này có thể gây ra một làn sóng nhập khẩu đáng kể của Trung Quốc, gây hậu quả bất lợi lâu dài cho ngành công nghiệp, việc làm và chính trị Ý.

Trong 2 năm qua, một số quốc gia nhỏ hơn tại EU cũng đã tham gia vào BRI của Trung Quốc với hy vọng rằng bằng cách đó, nền kinh tế của họ sẽ được thúc đẩy.

Ý đã rơi vào suy thoái hồi năm ngoái và mức nợ của nước này thuộc hàng cao nhất châu Âu.

Hồng Vân (Tổng hợp)

banner_chan-bai.gif