1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Sản xuất tôm ra nhiều nhưng không ai biết đến thì làm sao được!”

(Dân trí) - Ngày 29/6, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn FLC tổ chức chương trình “Gặp gỡ Bạc Liêu”. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Tôm Bạc Liêu” diễn ra từ ngày 27 - 30/6 tại tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình có sự tham gia của các diễn giả trong và ngoài nước, đã trao đổi một số nội dung trọng tâm liên quan đến việc xây dựng, định hướng phát triển, nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn được nguồn tôm sạch, mang tầm thương hiệu Quốc gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

“Sản xuất tôm ra nhiều nhưng không ai biết đến thì làm sao được!” - 1

Chương trình "Gặp gỡ Bạc Liêu" được tỉnh Bạc Liêu tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, với nhiều diễn giả trong và ngoài nước nói về phát triển ngành tôm. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- ông Dương Thành Trung (thứ 3 từ trái qua) đang phát biểu về ngành tôm Bạc Liêu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ông Dương Thành Trung cho biết, không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chọn là “thủ phủ” ngành tôm của cả nước.

Ông Trung khẳng định, tỉnh có đầy đủ cơ sở thực tiễn và khoa học để thực hiện trọng trách này, như: Có hơn 130.000 ha đất nuôi tôm, trong đó hơn 70% diện tích nuôi tôm công nghệ cao; có hệ sinh thái gồm 3 vùng mặn, ngọt, lợ để nuôi tôm sú, thẻ, càng xanh kết hợp tôm lúa, có thể đại diện cho vùng ĐBSCL về hệ sinh thái; sản lượng tôm thu hoạch khoảng 140.000 tấn/năm, đứng thứ 3 toàn quốc; sản lượng giống có thể nói đứng đầu cả nước; đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản về ngành nuôi trồng thủy sản;…

“Bạc Liêu hiện còn dư địa rất lớn về diện tích nuôi tôm và là tỉnh đang sở hữu những công nghệ đi đầu về nuôi tôm công nghệ cao. Trong tương lai không xa, mục tiêu của tỉnh hướng đến là vươn lên dẫn đầu cả nước về sản lượng tôm nếu như công nghệ cao phát triển”, Chủ tịch Bạc Liêu nhấn mạnh.

“Sản xuất tôm ra nhiều nhưng không ai biết đến thì làm sao được!” - 2

Ngành tôm chiếm sản lượng lớn ở khu vực ĐBSCL. (Ảnh: CTV)

Là một trong những đơn vị nuôi tôm lớn ở tỉnh Bạc Liêu, ông Lương Thanh Văn- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập Đoàn Việt - Úc cho rằng, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm hiện nay là rất cần thiết. Theo ông Văn, thời gian qua, một số nhà máy có lúc hoạt động quá công suất không sản xuất kịp bởi lượng hàng quá lớn, có lúc lại không đủ nguyên liệu, nên ngoài chất lượng thì số lượng cũng phải đủ để xuất khẩu.

“Do đó, nếu có những công nghệ tốt thì quá trình nuôi không cần sử dụng kháng sinh, hóa chất, đây là vấn đề mấu chốt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà các nước trên thế giới đang rất cần đối với con tôm”, ông Văn nói.

Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc cũng đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kể cả những lúc khó khăn để cùng tháo gỡ. Tỉnh Bạc Liêu luôn đưa ra mục tiêu, kế hoạch là khuyến khích doanh nghiệp đi vào công nghệ, minh chứng vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng nuôi tôm nhà màng, cho ăn tự động, kiểm tra môi trường,… bằng công nghệ.

“Việc tổ chức sự kiện tôm Bạc Liêu, trong đó có buổi gặp gỡ, tọa đàm về phát triển ngành tôm là rất quan trọng, tạo tiền đề cần phát triển, đẩy mạnh, quảng bá một cách rất tốt trong nước và ngoài nước. Bởi có những lúc sản xuất tôm rất nhiều nhưng không ai biết mình hết thì làm sao được”, ông Văn nêu quan điểm.

“Sản xuất tôm ra nhiều nhưng không ai biết đến thì làm sao được!” - 3

Ông Lương Thanh Văn- Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Việt - Úc (phải) cho rằng: "Sản xuất tôm nhiều nhưng không ai biết mình hết thì làm sao được", nên ông đề nghị ngành tôm cần quảng bá mạnh hơn nữa.

Khẳng định tại chương trình “Gặp gỡ Bạc Liêu”, ông Trần Đình Luân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây, ĐBSCL là trọng điểm sản suất tôm. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, con tôm được lựa chọn là đối tượng chủ đạo. Từ năm 2016 đến nay, diện tích nuôi tôm tăng không nhiều nhưng sản lượng tăng từ 650.000 tấn (năm 2016) lên 760.000 tấn (năm 2018).

Theo ông Luân, mặc dù ngành tôm đạt kết quả rất tốt nhưng chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn như nuôi tôm vẫn còn nhỏ lẻ, tác động biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi quy trình sản xuất, hạ tầng vẫn chưa được như mong muốn, có lợi thế tăng sản lượng nhưng một số nước đặt ra rào cản kỹ thuật cần phải tháo gỡ;…

Để phát triển ngành tôm, trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản- ông Trần Đình Luân cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục triển khai quyết liệt quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động ngành tôm, đề án của Bộ NN&PTNT về phát triển ngành công nghiệp tôm. Một điểm mới là Luật Thủy sản năm 2017, trong lĩnh vực tôm từ giống, vật tư phải tăng hậu kiểm, phải cấp mã số đến cơ sở nuôi tôm để truy suất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu của thế giới.

“Trong tổ chức liên kết tái cơ cấu ngành làm sao tiến tới nhỏ lẻ trong ngành tôm không còn, tất cả phải vào được Hợp tác xã gắn với các chuỗi sản xuất thì chúng ta mới đảm bảo thương hiệu uy tín. Trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai kỹ thuật cần nghiên cứu làm sao để nâng cao chất lượng đúng theo 2 hướng tái cơ cấu đó là một mặt nuôi tôm sinh thái (tôm sú), đây là riêng biệt của Việt Nam khi chiếm gần 50% sản lượng tôm sú thế giới và phát triển nuôi tôm công nghệ cao mà như tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều mô hình nuôi khép kín, không chất xả thải,… rất hiệu quả”, ông Luân nêu ý kiến.

Huỳnh Hải