1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sản xuất toàn cầu "căng như dây đàn" vì thiếu cung và chi phí tăng vọt

(Dân trí) - Hoạt động sản xuất toàn cầu đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng, chi phí leo thang cho đến việc hàng loạt nhà máy ở châu Á đóng cửa và dấu hiệu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại.

Theo Reuters, trong khi những quốc gia đã khống chế được biến thể Delta chứng kiến sự cải thiện về hoạt động sản xuất thì ở một số nước, tốc độ tăng trưởng chậm lại do tình trạng thiếu chip và gián đoạn nguồn cung đã tác động đến những nước đang phải vật lộn với dịch Covid-19.

Sản xuất toàn cầu căng như dây đàn vì thiếu cung và chi phí tăng vọt - 1

Hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc bất ngờ bị thu hẹp trong tháng 9 do hạn chế sử dụng điện trên diện rộng (Ảnh: Getty).

Hàng loạt nhà máy ở châu Á đóng cửa

Động lực kinh tế suy yếu của Trung Quốc đã giáng đòn mạnh vào triển vọng tăng trưởng của khu vực. Chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc vừa công bố hôm 30/9 cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy bất ngờ bị thu hẹp trong tháng 9 do hạn chế sử dụng điện trên diện rộng.

Mặc dù chỉ số PMI tư nhân Caixin/Markit cho thấy hoạt động sản xuất tốt hơn dự kiến sau khi sụt giảm trong tháng 8 nhưng những dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang làm lu mờ triển vọng của các quốc gia láng giềng.

Nhà nghiên cứu Makoto Saito tại Viện nghiên cứu NLI cho rằng: "Trong khi những biện pháp hạn chế đại dịch làm tác động đến hoạt động kinh tế đang dần được dỡ bỏ, việc giảm tốc này xảy ra đồng nghĩa các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ đình trệ trong thời gian còn lại của năm".

Các nhà sản xuất Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cũng đang phải chịu áp lực từ các hạn chế của đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng cũng như tình trạng thiếu nguyên liệu thô và chậm giao hàng. Chỉ số PMI của nước này cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 2.

Hoạt động sản xuất của Đài Loan tiếp tục được mở rộng nhưng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm qua. Trong khi chỉ số của Việt Nam vẫn không thay đổi. Chỉ số PMI của Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều tăng.

"Trong khi các chỉ số PMI trong khu vực cho thấy sự gián đoạn do Covid-19 trong khu vực đang giảm bớt phần nào, những đơn hàng chưa thực hiện tiếp tục chồng chất, đồng nghĩa sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới", ông Alex Holmes, chuyên gia kinh tế về các nền kinh tế châu Á mới nổi tại Capital Economics.

Từng được coi là động lực của tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Sự chậm trễ trong việc triển khai vắc xin cùng với sự gia tăng đột biến ca nhiễm biến thể Delta đã ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất của các nhà máy.

Châu Âu thiếu hàng hóa, nguyên liệu

Tăng trưởng sản xuất tại khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh vẫn mạnh nhưng hoạt động sản xuất phải đối mặt với các vấn đề về logistic, thiếu hụt sản phẩm và khan hiếm lao động có khả năng kéo dài và tiếp tục gây sức ép lên lạm phát.

"Mặc dù một số tắc nghẽn sẽ sớm được tháo gỡ nhưng nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực đòi hỏi chất bán dẫn, có khả năng phải chịu sự gián đoạn trong phần lớn của năm 2022", ông Martin Beck, cố vấn cấp cao của Câu lạc bộ EY ITEM nói và cho rằng điều này báo hiệu hoạt động sản xuất có thể vẫn bị hạn chế trong thời gian tới.

Chỉ số PMI sản xuất cuối cùng của IHS Markit đã giảm xuống 58,6 điểm trong tháng 9 so với mức 61,4 điểm trong tháng 8. Chỉ số PMI của Ah cũng giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp, từ 57,1 điểm xuống 60,3 điểm.

Các nhà máy ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hầu như không bị xáo trộn trong thời gian đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch nhưng tình trạng thiếu hàng hóa trung gian và một số nguyên liệu thô đang kìm hãm sản xuất.

Chỉ số PMI của Pháp cũng cho thấy, tăng trưởng sản xuất của nước này suy yếu hơn một chút so với dự báo ban đầu do các vấn đề về nguồn cung đè nặng lên ngành sản xuất của nước này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm